Khảo sát học phí Đại học tăng: 28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học

Hà My Thứ sáu, ngày 30/11/2018 06:18 AM (GMT+7)
28% sinh viên nghèo có nguy cơ phải bỏ học; 51% sinh viên hiện đang phải đi làm thêm để chi trả tiền học phí; 40% số hộ gia đình thuộc nhóm nghèo không thể đảm bảo kinh phí cho con theo học… đó là những con số “giật mình” trong một nghiên cứu của PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, khoa Kế hoạch và phát triển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Bình luận 0

Tăng học phí - Tăng nỗi lo

Mới đây, tại hội thảo khoa học quốc gia “Nhu cầu nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những đáp ứng của giáo dục ĐH Việt Nam” do Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ GDĐT) phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức.

img

Nhiều sinh viên nghèo có nguy cơ phải bỏ học vì học phí tăng. Ảnh: Lê Hiếu

"Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta luôn muốn tăng học phí đó chính là lý do muốn tăng chất lượng giáo dục. Đây không phải điều mới lạ, nhưng phải nhìn nhận lại thực tế học phí tăng thì chất lượng chưa chắc đã tăng. Hiện tại, ngân sách chi cho giáo dục đã tăng rất nhiều so với trước đây nhưng chất lượng giáo dục theo tôi là chưa tương xứng”.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ –
nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT

PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, khoa Kế hoạch và phát triển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đã công bố kết quả khảo sát  với trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh thành đầu năm 2017. Theo đó  71% người dân đồng ý giáo dục ĐH là khoản đầu tư cho tương lai và 74% sẵn sàng đi vay tiền cho con theo học ĐH. Tuy nhiên, có tới 28% sinh viên đứng trước nguy cơ phải bỏ học khi học phí tăng.  50% số hộ gia đình được hỏi cho biết con của họ buộc phải đi làm thêm do học phí cao, nhóm hộ nghèo có tới 79% có con đi làm thêm khi học đại học. Theo điều tra này, trên thực tế có 51% sinh viên đang phải đi làm thêm để chi trả học phí. Tới 33 – 41% sinh viên đi làm thêm cho rằng việc này ảnh hưởng tới kết quả học tập của họ. Nhiều sinh viên đang phải chật vật đi làm thêm để có tiền trả học phí cũng cho biết, vừa học vừa làm rất mệt mỏi, hơn nữa thời gian phân tán, khó có thể tập trung học tốt.

Với mức học phí hiện hành (13-17 triệu đồng/năm), cuộc điều tra còn cho thấy có tới 85% nhóm nghèo nhất cho rằng mức cao hoặc rất cao. Có tới 40% số hộ gia đình thuộc nhóm nghèo không thể đảm bảo kinh phí cho con theo học. Tính tổng tất cả các nhóm thì con số này là 37%.

Việc tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân là chủ trương đúng đắn của Chính phủ trước thực tiễn xu thế phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay, cũng như yêu cầu phát triển của nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, điều này cũng khiến cho không ít các sinh viên cảm thấy lo lắng ngay khi mới bước vào ngưỡng cửa đại học.

Bạn Đ.T.Liêm, sinh viên năm thứ 3 ĐH Giao thông vận tải (quê Thanh Hóa) cho biết gia đình bạn có 3 anh em trai, hiện tại Liêm đang làm nhân viên bán thời gian của một quán ăn trên đường Cầu Giấy. “Ở quê nhà em chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và tiền do anh cả đi làm thuê ở TP.Hồ Chí Minh gửi về. Vì vậy tiền học phí tăng dù không nhiều nhưng cũng phải làm cho em suy nghĩ. Không chỉ em mà nhiều bạn trong lớp cũng gặp khó khăn và buộc phải bớt xén các khoản sinh hoạt khác lại vì cứ xin thêm tiền từ bố mẹ thì ngại lắm” – Liêm bộc bạch.

Liêm cho biết thêm việc đi làm thêm đối với sinh viên hiện nay gần như là lẽ đương nhiên. Có nhiều lý do khiến cho sinh viên đi làm thêm như áp lực về kinh tế, tăng thêm kinh nghiệm hoặc cũng có thể chỉ muốn thoải mái hơn về mặt chi tiêu. Khi được hỏi về việc làm thêm có ảnh hưởng tới quá trình học tập không thì Liêm khẳng định rằng có ảnh hưởng. “Làm thêm thì thời gian gần như là cố định, thế nên các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp bọn em chắc chắn không tham gia được. Nhiều bạn làm ca tối về mệt quá lăn ra ngủ, không có thời gian ôn lại bài”.

Mất cơ hội đi học của học sinh nghèo

Ông Trần Văn Thạo (Quan Hoa, Hà Nội) – cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu cho biết hiện tại mình đang có một khu nhà trọ cho sinh viên thuê. “Hầu như sinh viên ở trọ trong khu của tôi đều đi làm thêm cả. Có khoảng 10 phòng trọ thì các em ban ngày đi học và thường làm việc theo ca. Có em học sáng thì làm chiều và tối, có em học chiều thì làm tối hoặc sáng. Nhìn các cháu vừa học vừa làm vất vả lắm, tôi cũng chỉ biết tạo điều kiện bằng cách động viên, không thúc giục hạn nộp tiền nhà”.

Như vậy có thể thấy, với mức học phí hiện tại, cuộc sống của các sinh viên nghèo đang còn gặp nhiều khó khăn, thì với việc tăng học phí theo lộ trình sẽ còn bộc lộ nhiều hạn chế.

PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân nhận định: “Nguồn thu học phí là điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo dục ĐH. Tuy nhiên, việc học phí cao quá khả năng chi trả của nhiều gia đình vô hình chung lại gạt đi những học sinh không đủ khả năng tài chính.

Vì vậy, bên cạnh những chính sách học phí, cần phải có các phương án tài chính khác bổ trợ để giảm thiểu tối đa sự bất công trong việc tiếp cận, thụ hưởng giáo dục đại học do học phí gây ra. Đó có thể là học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách và đặc biệt là chính sách tín dụng sinh viên một cách hiệu quả”.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT lại cho rằng việc tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng giáo dục. “Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta luôn muốn tăng học phí đó chính là lý do muốn tăng chất lượng giáo dục.

Đây không phải điều mới lạ, nhưng phải nhìn nhận lại thực tế học phí tăng thì chất lượng chưa chắc đã tăng. Hiện tại, ngân sách chi cho giáo dục đã tăng rất nhiều so với trước đây nhưng chất lượng giáo dục theo tôi là chưa tương xứng. Vì thế, việc tăng học phí quá cao trong thời điểm hiện tại là chưa cần thiết”.Ông Nhĩ cũng lưu ý thêm rằng học phí tăng cao là một lý do tước đi cơ hội của những học sinh nghèo, họ sẽ mất đi cơ hội bước vào giảng đường ĐH. Mặc dù có học bổng, tài trợ nhưng đó là ưu đãi phát sinh sau khi bước chân vào giảng đường mà thôi. Nhiều học sinh và gia đình nhìn thấy số tiền lớn phải nộp khi vào ĐH đã “chùn chân” không dám đăng ký học.

Nói về giải pháp ngắn hạn, ông Nhĩ cho rằng Nhà nước rất cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn không lấy lãi dài hạn hay cấp học bổng để giúp các sinh viên nghèo có cơ hội đi học.

Chú trọng chính sách học bổng

“Tăng học phí phải đi đôi với việc đảm bảo tăng chất lượng giáo dục, còn nếu tăng học phí mà mọi sự yếu kém vẫn tồn tại như dư luận xã hội lên án, chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu, sinh viên ra trường rồi lại thất nghiệp thì cha mẹ đầu tư cho con cái đi học mà học xong thất nghiệp thì khác nào là đầu tư “công cốc”. Ngoài ra, việc tăng học phí đối với các trường đại học phải đi cùng với nâng cao chính sách học bổng đối với các sinh viên nghèo, sinh viên giỏi, rất giỏi. Bởi hiện nay, nước ngoài rất chú trọng chính sách học bổng, để khuyến khích sự phát triển các điểm mạnh của mỗi sinh viên, không chỉ vậy, chính sách học bổng còn là sự đầu tư thông minh cho lực lượng lao động sau này.
Hiện nay, Nhà nước ta đang muốn xây dựng đất nước theo mô hình xã hội học tập, là một xã hội tạo ra mọi cơ hội, điều kiện cho tất cả mọi người từ người nhỏ tuổi đến người về hưu. Xã hội học tập suy cho cùng là 1 hệ thống giáo dục mở, đã là mở thì sẽ cố gắng hạn chế những rào cản. Thế nên, việc bắt buộc phải đóng tiền học phí là một rào cản mà nhiều trường đang vô tình tạo ra. Cho nên, khi đã thu học phí có thể coi là một sự thất sách. Bởi nếu dạy tốt thì sẽ hạn chế khoản thu này, thu không tràn lan. Đồng thời, việc mở ra các trường đại học dân lập mà chất lượng đào tạo thấp, trong khi mức thu học phí cao thì phải giải tán”.

GS-TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm
Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam

Sinh viên làm thêm dễ chểnh mảng việc học

“Thực tế việc đi làm thêm của sinh viên có 2 mặt tốt và xấu. Mặt tốt là giúp các em va chạm với xã hội, định hướng được nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài ra việc giao tiếp cũng giúp các em có kinh nghiệm hơn sau khi ra trường. Nhiều sinh viên của tôi hiện tại rất thành công thì trước đó cũng đều đi làm thêm trong thời gian đi học. Thế nhưng mặt xấu của việc làm thêm là khi sinh viên chịu nhiều áp lực về mặt tiền bạc quá, dẫn tới việc “đốt thời gian” vào những công việc làm thêm mùa vụ. Từ đó chểnh mảng việc học, tổn hại sức khỏe.
Cũng phải nhìn lại nhiều em thuộc diện khó khăn, nếu không đi làm thêm thì thậm chí tiền bố mẹ gửi ra không đủ sinh hoạt tối thiểu. Vì thế, việc tăng học phí cần phải có lộ trình rõ ràng, đi kèm với nó là những chế tài, học bổng để các em có hoàn cảnh khó khăn không bị thiệt thòi. Bởi xét cho cùng chính các em sinh viên nghèo là người phải chịu áp lực từ chính sách tăng học phí nhất”.

Giảng viên N.T.T.H (Học viện Ngân Hàng – Hà Nội)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem