Cuộc khảo sát tiến hành ở 6 địa phương là các thành phố lớn trong nước và đặc biệt là cuộc khảo sát này được sự tài trợ của... một doanh nghiệp kinh doanh game online trong nước. Chả trách mà kết quả chỉ có 5,2% người được hỏi “có biểu hiện nghiện game online” (!?). Nhóm nghiên cứu kết luận nghiện game online không trầm trọng như các phương tiện truyền thông đại chúng đưa ra.
Thật thế chăng? Là người thường xuyên sử dụng Internet, tôi có nhận xét là cứ khoảng thời gian từ 5-7 giờ tối, đường truyền Internet trong thành phố mà tôi đang dùng đột ngột từ “hạ áp” tới nghẽn mạch. Đó là thời gian học sinh các trường từ tiểu học, cơ sở tới trung học tan trường, và các điểm game online tràn ngập khách hàng.
Tôi có đứa cháu ở tận một xã vùng bán sơn địa hưởng tiêu chuẩn miền núi, một xã rất nghèo (tới bây giờ vẫn thuộc diện xã nghèo). Cháu tôi mới học lớp 8 nhưng đã phải bỏ học, không phải vì gia đình không có tiền lo nổi cho cháu tiếp tục học, mà vì... game online "leo núi, vượt đồi lên vùng cao" đã khiến cháu phải bỏ học.
Hàng ngày, cha mẹ nghèo khổ lam lũ làm ăn, đâu có biết con mình vẫn nhận tiền đóng học phí, tiền học thêm hàng tháng nhưng không tới trường, cũng chẳng tới lớp học thêm, mà vào quán... game online. Ở đó, tất cả tiền học phí được cháu tôi sử dụng để học chơi game online. Món này chắc cháu tôi giỏi, nhưng các môn học thì không còn đường ngõ nào để vào đầu cháu tôi được nữa! Game online đã lên tới miền núi rồi đó, tới tận “vùng sâu vùng xa” rồi đó!
Trả lời lý do tại sao kết quả khảo sát đưa ra những tác động không đáng kể của game online tới người chơi, TS Trịnh Hoà Bình - chủ trì cuộc khảo sát nói trên, cho rằng mình không phải cơ quan quản lý nên không lý giải nội dung này.
Không phải cơ quan quản lý mà lại đưa ra những nhận định vội vàng từ những kết quả khảo sát rất khó chứng minh sự trung thực, cách làm điều tra xã hội học như thế có thể mang lại những kết luận rất sai lạc với thực chất vấn đề cả xã hội đang hết sức lo ngại là game online.
Đã thế, vị TS xã hội học này còn nói: "Anh Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có nói trong các trại giáo dưỡng có những trường hợp rất đau lòng liên quan đến game online, nhưng ở đây chúng tôi chỉ khảo sát về mặt xã hội và đưa ra đánh giá”. Không biết, “những trường hợp đau lòng” mà đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đề cập có nằm trong “xã hội” mà cuộc khảo sát này đánh giá không ?
Làm khoa học cũng rất cần tài trợ. Nhưng khi “khảo sát xã hội học” về tác hại của game online mà “nhà tài trợ” lại là một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ game online, thì chưa cần thấy kết quả, người ta đã đoán biết nó ra sao rồi!
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.