Khi báo chí và thể thao "cạch mặt" nhau

Thái Hà Thứ hai, ngày 10/08/2015 09:00 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhiều đội bóng chuyên nghiệp đã chuyển từ việc khai thác tối đa vai trò của truyền thông sang việc hạn chế đường vào của báo chí, kiểm soát tin tức chặt chẽ, thậm chí tự soạn thông tin gửi cho báo chí. Swindon Town FC – câu lạc bộ (CLB) hạng ba ở Anh là một ví dụ về áp dụng sự chuyển đổi đó.
Bình luận 0

“Tôi ở đây không để giúp họ bán báo”

Mới đây, khi phóng viên tờ báo The Swindon Advertiser ở thị trấn Swindon tiếp cận HLV Mark Cooper của Swindon Town FC trong một sự kiện từ thiện, lập tức một quan chức của đội bóng nói không có phỏng vấn, chụp hình gì hết. Phóng viên phải ra về tay không. “Chỉ là một câu chuyện ở sự kiện từ thiện mà khó thế, bạn có tưởng tượng nổi không?” - Tổng Biên tập Gary Lawrence than vãn.

img

Đội bóng Swindon Town FC quay lưng với báo chí. Nguồn ảnh: Getty Images

Thực tế, trừ cuộc họp báo sau trận đấu trong tuần, phóng viên, người chụp hình, người quay video bị cấm không được phỏng vấn bất kỳ thành viên nào của Swindon Town FC. Ông  Lee Power - Chủ tịch đội bóng, là người đưa ra chính sách này. Ông nói: “Cuối cùng thì báo chí địa phương cần đội bóng hơn là đội bóng cần họ. Báo chí và đội bóng không nhìn vào mắt nhau một cách trung thực trong nhiều năm. Là ông chủ, tôi không thấy họ ủng hộ đội bóng. Tôi ở đây không để giúp họ bán báo, tôi ở đây để làm những gì tốt nhất cho đội bóng”.

Hầu hết các CLB bóng đá châu Âu thực hiện ít nhất một cuộc họp báo trước trận đấu hàng tuần, Swindon Town FC thì không. Hầu hết các CLB dành hẳn một ngày  trước mùa giải cho báo chí, Swindon Town FC thì không. Để lấp vào khoảng trống về thông tin, các bài báo, hình ảnh, video về Swindon Town FC được họ tự sản xuất và xuất bản qua một ứng dụng trên smartphone. Ứng dụng này có tên Fanzai, được những người dùng đầu tiên nhận xét là “nhảm nhí vô cùng”.

Va chạm quyền lợi

Cách tiếp cận báo chí ở châu Âu khá khác ở Mỹ. Ở Mỹ, nhà báo, truyền hình có thể phỏng vấn cầu thủ ngay trong phòng thay đồ sau trận đấu. Ở châu Âu, thứ đó không tồn tại. Tại Mỹ, các cầu thủ phải có nghĩa vụ giải thích những gì không hay xảy ra ngay trong đêm sau trận đấu. Tại châu Âu, các cầu thủ và HLV không phải giải thích sai lầm của họ trước giới truyền thông độc lập. Các CLB lớn như Manchester United, Barcelona, Real Madrid… có kênh truyền hình riêng của họ, nên chuyện có cầu thủ cả mùa không hé răng với giới truyền thông độc lập không lạ lắm.

"Những gì chúng tôi thu lợi từ báo chí không bằng những gì họ làm tổn hại chúng tôi”.
Lee Power - Chủ tịch Swindon Town FC

Cũng có chuyện một số CLB tẩy chay một vài tờ báo hay phóng viên nào đó. Bayern Munich cấm cửa 2 tờ báo Anh từ năm ngoái vì họ giật tít kiểu chơi chữ “You Dirty Schwein” để chỉ trích tiền vệ Schweinsteiger. Trong tiếng Đức, Schwein là con lợn. Manchester United có một danh sách dài các báo bị cấm trong nhiều năm. Southampton đề nghị phóng viên thôi không phỏng vấn các cổ động viên bên ngoài sân bóng. Khi Newcastle bổ nhiệm HLV mới Steve McClaren vào tháng 6 qua, chỉ có website của CLB, kênh truyền hình Sky Sports (nắm bản quyền Giải Ngoại hạng Anh), tờ báo The Daily Mirror (quan hệ đối tác với CLB) được phép đặt câu hỏi trong buổi họp báo ra mắt ông McClaren.

Báo chí và thể thao đang ở trong một tình cảnh khá đặc biệt. Trong khi các cầu thủ đang phát triển thành một dạng ngôi sao giải trí với nhiều quyền năng và kiếm được rất nhiều tiền thì cũng có quá nhiều dạng thức báo chí đề cập đến các CLB, các cầu thủ như các mạng xã hội, diễn đàn... xâm chiếm quyền năng của báo chí chính thống. Tức là trong quan hệ này, báo chí đang ở thế yếu hơn.

Mặt khác, xu hướng của các độc giả thích là thích đọc tin xấu. Báo chí cần phải sản xuất tin tiêu cực nhiều để thu hút độc giả, như vậy nó va chạm với quyền lợi của những người được đưa tin, ở đây là các CLB, cầu thủ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem