Khi con khao khát được ngồi ăn cùng cha mẹ

Hà Linh Thứ sáu, ngày 12/12/2014 14:10 PM (GMT+7)
Bận rộn với công việc, cuốn theo những cuộc vui… cuộc sống của nhiều gia đình hiện đại đang dần thiếu đi những bữa cơm quây quần, ấm cúng.
Bình luận 0

Tổ ấm lạnh nhạt vì thiếu bữa cơm gia đình

Chị Lan Anh (33 tuổi, Hà Nội) không có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình vì công việc quá bận rộn. Chị là nhân viên truyền thông, thường xuyên phải tổ chức nhiều sự kiện lớn, nhỏ, những lúc công việc đòi hỏi sự tập trung, chỉ thường làm tới tận đêm khuya. Chính vì vậy, những bữa cơm chung của gia đình chị trong một tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị kể: “Chồng mình cũng bận, cả hai vợ chồng có hôm đi làm tới tận tối muộn. Vì bận nên bố mẹ chồng phải lên ở cùng để đưa đón con cho mình và nấu cơm cho các cháu. Mọi lần, ông bà thường ăn trước, để phần hai vợ chồng ăn sau. Cả hai vợ chồng mình cũng hiếm khi được ăn cơm cùng con cái, do các con và ông bà đều phải ăn cơm sớm, đúng giờ”.

Chuyện người về trước ăn trước, về sau ăn sau đã không còn lạ với gia đình chị Lan Anh. Chị cũng cho biết, trước đây, khi công việc không quá nhiều và áp lực không lớn, chị cũng thường về sớm nấu cơm cho cả gia đình ăn. Nhưng lâu ngày, sự mệt mỏi vì công việc khiến chị không thể thực đảm nhiệm được công việc của một người vợ, người mẹ.

Nhưng như thế vẫn còn là một… may mắn. Không được như gia đình chị Lan Anh, gia đình anh Mạnh Hùng (Thanh Xuân, HN) thường “tùy nghi di tản” trong nhiều bữa cơm tối. “Nhà có 3 người, cũng may con gái tôi học lớp 7 cũng tự lo được chuyện ăn uống. Nhiều hôm bố mẹ ăn một nơi, con phải ra quán. Hoặc có những khi vợ tôi về muộn, tôi lại chẳng biết nấu nướng gì nên lại mua đồ ăn sẵn cho 2 bố con cùng ăn. Nghĩ tội con quá. Tôi quy định với vợ, dù bận đến đâu cũng phải cố gắng cuối tuần cả nhà được “ăn tươi ngon” một bữa”.

Đối với người đàn ông này, anh thật sự không hài lòng lắm khi cái “dạ dày” của hai bố con ngày nào cũng phải tiêu hóa cơm bụi, phở… Nhưng cũng đành chấp nhận vì cuộc sống, công việc của cả hai vợ chồng không phải lúc nào cũng như ý muốn.

Phổ biến hơn cả trong bữa cơm của các gia đình hiện đại là sự thiếu vắng của người đàn ông. Công việc của chị Thanh Lan (Hà Đông, HN) khá bận rộn, nhưng lúc nào chị cũng dậy từ sáng sớm, mua đồ ăn, sơ chế qua để tối về không bị vội vàng nấu bữa tối. “Nhưng dù tất bật, cố gắng nấu bữa con cho cả nhà vì nghĩ cả gia đình chỉ có duy nhất bữa tối được quây quần, thì chồng tôi lại thường xuyên bận việc. Vài lần, tôi và các con cũng đợi anh về ăn cùng cho đầm ấm, nhưng các con đói, lại phải đi học bài, đi ngủ sớm, nên nhiều hôm tôi phải cho hai đứa nhỏ ăn trước, còn mình đợi chồng ăn sau. Đối với nhiều gia đình ở khu này cũng thế. Chắc chỉ có cuối tuần là được tụ họp đông đủ”, chị ngậm ngùi.

Sự thiếu vắng của những bữa cơm gia đình truyền thống là một thực tế phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Một bữa cơm tối giản đơn, nhưng chứa đựng ý nghĩa tinh thần rất lớn, ở đó là sự yêu thương, chăm sóc và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Không thể khẳng định những gia đình “thiếu vắng” bữa ăn chung khó có được hạnh phúc vẹn toàn, nhưng chắc chắn, không khí đầm ấm, quây quần đã bị mất đi ít nhiều.

Thực trạng đáng báo động của đời sống hiện đại

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết: “Bữa cơm gia đình là dịp cả nhà đoàn tụ sau một ngày xa nhau, tuy nhiên nhiều gia đình ở các thành phố lớn đã không còn thói quen này, tôi vẫn nói có lẽ do sức ảnh hưởng của đời sống kinh tế thị trường quá lớn. Và dĩ nhiên, việc quây quần của các thành viên trong gia đình trong bữa ăn ngày càng thiếu vắng.

Hoặc, họ vẫn ăn cơm chung cùng nhau, nhưng người quan tâm tới chương trình ti vi, người dán mắt vào điện thoại, ipad… bữa cơm gia đình vì thế mà thiếu hẳn sự ấm áp”.

Ông cũng chia sẻ những suy nghĩ của mình khi biết rất nhiều gia đình đã làm một căn bếp đẹp, sang trọng, trong khi thiếu vắng đi bàn tay chăm sóc bữa cơm của người phụ nữ. Đây là một tình trạng đáng báo động trong đời sống hiện đại, vì mỗi bữa cơm không chỉ đơn thuần là một bữa ăn, là lúc mọi người trong gia đình “nạp dinh dưỡng” mà ở đó còn là sự giao tiếp, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.

Có những trường hợp, khi tư vấn tâm lý, chuyên gia Trịnh Trung Hòa đã từng gặp trường hợp một đứa trẻ khao khát được ăn cơm tối với bố mẹ, được bố mẹ quan tâm, bởi gia đình em tan vỡ, bố và mẹ đều chỉ lo cho cuộc sống của riêng mình.

 “Không phải ngẫu nhiên mà người ta kêu gọi việc khôi phục lại những bữa ăn gia đình, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thật sự không hề dễ dàng chút nào. Và vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Chỉ cần nấu những món đơn giản, hợp khẩu vị của các thành viên, đảm bảo vệ sinh thì đây chính là cách… giữ lửa cho hạnh phúc gia đình.

Đàn ông, ai cũng dễ rung động bởi sự chăm sóc, yêu chiều của người vợ. Và hơn nữa, thông qua những bữa cơm này, cha mẹ có thể coi đó là một cơ hội để hình thành thói quen, giáo dục con cái. Các gia đình hiện đại hãy quý trọng những gì mình đang có, ban ngày đi làm ở công sở, tối về hãy cố gắng tạo một bữa cơm đầm ấm, thoải mái để gắn kết tình cảm gia đình thêm bên chặt”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem