Khi đại sứ nước ngoài quay lại Việt Nam làm... cố vấn kinh tế

Thứ bảy, ngày 13/09/2014 14:05 PM (GMT+7)
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ chính trị, nhiều nhà ngoại giao đã quay lại Việt Nam và dùng sự am hiểu, uy tín và tầm ảnh hưởng của mình vào vai trò cố vấn cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

Kết thúc nhiệm kỳ đại sứ của mình tại Việt Nam, nhiều vị đại sứ nước ngoài đã trở lại Việt Nam trong vai trò cố vấn cho các tập đoàn kinh tế tên tuổi. Sự am hiểu, uy tín và tầm ảnh hưởng của họ ở Việt Nam được các tập đoàn này xem như một “nguồn vốn” quan trọng trong kế hoạch kinh doanh.

img

Ông Ha Chan Ho, cố vấn của tập đoàn Samsung hào hứng nói về các kế hoạch trong nhiệm kỳ "đại sứ kinh tế" của mình - Ảnh: Công Khanh.

Chuyện cố vấn của Samsung

Cho đến nay, hầu như không còn ai nghi ngờ gì về tham vọng cũng như khả năng thực tế của tập đoàn Samsung trong cuộc chơi tại Việt Nam. Những dự án liên tục được cấp phép với số vốn tính bằng đơn vị tỷ USD cho thấy “cuộc chơi” này vẫn đang hồi hấp dẫn.

Hơn một năm nay, có mặt trong suốt “cuộc chơi” ấy của Samsung là một chính khách nghỉ hưu, ông Ha Chan Ho, người từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trao đổi với báo giới, ông cho hay hai năm rưỡi làm Đại sứ tại Việt Nam là không dài trong khoảng thời gian 36 năm làm công tác ngoại giao, nhưng là “khoảng thời gian rất ý nghĩa khi Việt Nam và Hàn Quốc trở thành đối tác chiến lược”.

Đây là lần đầu tiên, Samsung thuê một cựu chính khách làm cố vấn cho mình. Trước đó, theo ông Ha Chan Ho, với vai trò là một nhà sản xuất, Samsung chủ trương làm tốt khâu sản xuất, phân phối, và cho rằng như thế là đủ.

Nhưng giờ đây, khi đã là một tập đoàn đại chúng toàn cầu, Samsung hiểu rằng việc xây dựng và duy trì hình ảnh ở một “tầm cao” mới cũng như giữ mối quan hệ hài hòa với các quốc gia nơi Samsung đầu tư là rất quan trọng.

Theo bước Samsung, các tập đoàn Hàn Quốc khác như Hyundai, LG cũng đang tính tới việc tương tự.

Những cuộc làm việc dày đặc của ban lãnh đạo Samsung với các cơ quan chức năng Việt Nam đã giúp cho các kế hoạch mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh và Thái Nguyên và các kế hoạch làm ăn khác được thuận lợi hơn. Giờ đây, khái niệm “cứ điểm toàn cầu” mà Samsung đưa ra khi nói về các nhà máy tại Việt Nam đã không còn là “phát biểu ngoại giao” nữa: năm 2013, Samsung đóng góp tới 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, và năm nay thậm chí tăng thêm nhiều hơn nữa.

Ngoài sản xuất, một trong những kế hoạch đáng chú ý của Samsung chính là việc phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, một trung tâm hiện đã thu hút khoảng 800 kỹ sư đang làm việc và sẽ tăng lên 2.000 người vào năm 2016.

Theo ông Ha Chan Ho, hiện nay Samsung vẫn phải nhập phần lớn linh kiện từ nước ngoài, và “sẽ rất tốt nếu các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị này, với điều kiện đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của Samsung”.

Ông Ha Chan Ho hiện đang tích cực học tiếng Việt, điều ông cho là sẽ rất hữu dụng cho công việc cố vấn của mình, khi mà các kế hoạch đầu tư mới của Samsung hiện vẫn đang được tiếp tục xúc tiến.

Hồi tháng 5.2014, các kế hoạch đầu tư mới của Samsung như tham gia đầu tư, xây dựng dự án sân bay Long Thành, dự án hóa dầu Long Sơn (Vũng Tàu), nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3, nhà máy đóng tàu tại Khánh Hòa… đã được lãnh đạo tập đoàn này công bố với Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, tháng 9.2013, công ty Samsung C&T đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng ở Việt Nam vào cuối tháng 9 năm ngoái, khởi đầu cho các kế hoạch giàu tham vọng này.

Những cuộc “trở về” khác…

Không ồn ào như ông Ha Chan Ho, kế hoạch “hậu Đại sứ” của ông Norio Hattori, cựu Đại sứ Nhật Bản khá khiêm tốn nhưng cũng đầy ý nghĩa.

Còn nhớ, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, ông Hattori từng khẳng định “tình yêu và mối quan tâm của ông với đất nước này” và rằng “ba năm nữa tôi sẽ quay lại Việt Nam”.

Khi đó, nhiều người vẫn nghĩ là ông nói xã giao.

Nhưng đầu năm nay thì ông quay lại thật, trong vai trò cố vấn cho Công ty TNHH Hattori và Cộng sự, nhà đầu tư dự án thành lập “Bệnh viện Mắt Quốc tế Nhật Bản” tại Hà Nội, một dự án vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp phép, hồi tháng 6.2014.

Trước ngày “về hưu”, ông từng nói rằng "việc sống ở Việt Nam rất dễ chịu, dễ kết bạn. Chỉ cần một lần tới Việt Nam, bất cứ người Nhật Bản nào cũng thích đất nước này" và sau một thời gian sang Paris làm Đại sứ Nhật Bản tại Tổ chức OECD, ông sẽ quay lại, vì luôn coi Việt Nam là “quê hương thứ hai của mình".

Dự án bệnh viện nói trên khá khiêm tốn về vốn đầu tư với chỉ 3 triệu USD, nhưng là một dự án sử dụng các công nghệ cao nhất về nhãn khoa hiện nay. Ông Norio Hattori hy vọng trong thời gian ngắn, bệnh viện sẽ hoàn tất để có thể sớm cung cấp dịch vụ khám chữa mắt “theo tiêu chuẩn Nhật Bản” cho người Việt.

Trước đó, cũng từng có nhiều câu chuyện thú vị về những nhà ngoại giao quay lại Việt Nam trong vai trò cố vấn cho các doanh nghiệp. Một trong những người mở đầu cho xu hướng này là ông Michael Mann, cựu Đại sứ Úc tại Việt Nam.

Nhiệm kỳ của Michael Mann kết thúc vào năm 2002, nhưng sau đó ông quyết định ở lại Việt Nam với tư cách Tổng giám đốc Trường Đại học Quốc tế RMIT, một doanh nghiệp FDI mà việc cấp phép trước đó có dấu ấn không nhỏ từ vị đại sứ này.

Thời điểm RMIT vào Việt Nam, giáo dục vẫn là lĩnh vực hạn chế đầu tư, và phía RMIT đã mất khá nhiều công sức trong việc hoàn tất các thủ tục cần thiết. Nhưng đó cũng là thời điểm mà Michael Mann cùng các đồng sự làm được nhiều việc ý nghĩa tại Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy các dự án ODA.

Một trong những dự án ODA quan trọng nhất của Úc tại Việt Nam chính là cầu Mỹ Thuận, cây cầu rút ngắn khoảng cách giữa Tp.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Michael Mann được coi là một trong những “kiến trúc sư” của cây cầu lịch sử này, và với RMIT, ông được coi là “kiến trúc sư” của một nhịp cầu khác: nhịp cầu tri thức!

“Nhiệm kỳ” của Michael Mann tại RMIT kết thúc năm 2008, khi mà RMIT, từ khởi đầu số không, đã trở thành một trường đại học quốc tế có tên tuổi, thu hút hàng ngàn sinh viên mỗi năm. Ngày rời Việt Nam, ông nói mình “luôn mong muốn là một đại sứ không chính thức của Úc tại Việt Nam”.

Suy cho cùng, chính trị hay kinh tế thì cốt lõi vẫn là ở con người. Có dịp gặp gỡ những vị "đại sứ" này, điều cảm nhận rõ nhất là nguồn cảm hứng bất tận về công việc, về sự phát triển, về tầm nhìn dài hạn.

Họ đã sử dụng kỹ năng, sự am hiểu và quan hệ của mình để tiếp tục làm những việc có lợi cho cho quốc gia mình trong bất cứ hoàn cảnh và vai trò nào, thay vì "hạ cánh" bình yên ở đâu đó! 

(Theo VnEconomy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem