Thanh niên đi hết, gánh nặng đồng áng, chăm sóc người già, nuôi dạy trẻ nhỏ đều đè nặng lên vai phụ nữ. Thêm vào đó là tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi vào mùa vụ đã khiến nhiều làng quê phải chịu cảnh oái oăm: Tiền thuê cấy, gặt cao hơn thu nhập từ cây lúa.
Thuê người là lỗ vốn
Trở lại xã Phong Châu (Đông Hưng, Thái Bình), đến mùa vụ người dân thường xuyên phải thuê người gặt hái, cấy cày, làm cỏ. Do thiếu người, những người làm thuê từ xã khác sang thường ép giá 100.000 - 150.000 đồng/ngày công. Những ngày cao điểm, phải thuê 250.000 đồng/sào thu hoạch. Không thuê không được vì lúa chín rũ ngoài đồng.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2011/images/2011-08-03/1434696778-184_11_gia-hoa-o-nong-thon-viet-nam.jpg) |
Mọi sinh hoạt của cụ Nguyễn Thị Liên (thôn Khuốc Đông,Phong Châu) đều ở trên giường. |
“Tính tiền phân gio, tiền giống má, tiền thuê người từ lúc gieo mạ, cày bừa, cấy, làm cỏ, gặt đập trên 1 sào ruộng là lỗ vốn. Nhưng chẳng nhẽ lại bỏ ruộng? Nhiều người già không làm được, cho thuê lại ruộng, được trả 60-70kg thóc/sào, chẳng đủ ăn” – ông Nguyễn Văn Châm (83 tuổi, thôn Khuốc Đông) cho biết.
Không chỉ ở Thái Bình, ở nhiều địa phương khác như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… những năm gần đây khi các khu công nghiệp mọc lên, ở làng chỉ còn toàn người già, phụ nữ, người hết tuổi lao động hoặc những người ốm yếu.
Trên các cánh đồng, chỉ thấy toàn người già và phụ nữ trung niên tham gia sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thoan ở thôn Mỏ, xã Minh Đức (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: “Vào ngày mùa mà không có người để thuê, tôi đành dồn việc đến cuối tuần để gọi con, cháu đang làm việc ở tỉnh và ngoài Hà Nội về làm giúp”.
Phận “vợ hờ”
Đàn ông đi làm ăn xa, bỏ lại việc chăm sóc trẻ nhỏ, người già và làm nông cho phụ nữ. Đã có nhiều cảnh đời ngang trái xảy ra mà thiệt thòi đều rơi vào phụ nữ.
Làm vợ chính thức, cưới hỏi đàng hoàng, sinh cho chồng hai đứa con có nếp có tẻ, nhưng chị Phạm Thị T (xã Phong Châu) đang chấp nhận cảnh “chồng chung”, có cũng như không.
Chồng chị như nhiều đàn ông trong xã, vào tận TP.HCM làm phu hồ đã 5 năm nay, mỗi năm về 1-2 lần. Chị một mình chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con ăn học, lăn lóc sớm tối cày cuốc, cấy hái 7 sào ruộng của 4 khẩu. Số tiền chồng gửi về, chị gom góp dựng được cái nhà mái bằng. Còn tiền ăn học, sinh hoạt hàng ngày đều trông cả vào chị. Mọi công to việc lớn của gia đình nhà chồng đều đến tay, nhưng chị vẫn mang tiếng “dựa hơi chồng”, được chồng kiếm tiền nuôi.
Anh Nguyễn Văn Hồi – Bí thư Đoàn xã Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: Hiện tượng thiếu sức lao động hiện đang rất nghiêm trọng. Chẳng hạn như xã Ngọc Lý có 450 đoàn viên thì có tới 265 người đi làm ở các khu công nghiệp, 25 người đi làm ăn xa, 56 đoàn viên thuộc trường học, chỉ còn lại khoảng 100 thanh niên ở xã. Vào mùa vụ, số này không thể làm xuể các việc nhà nông.
Cho dù vất vả, chị vẫn tần tảo, chắt bóp, những mong công sức của mình sẽ được chồng trân trọng. Rồi đùng cái, một ngày có cô gái bồng con về tận nhà để ra mắt “bố mẹ chồng”. Hoá ra, chồng chị T đã chung sống với cô ta được 2 năm, sinh con, giờ cô ta dẫn con về để “chính thức hoá quan hệ”.
Không để tâm đến chị, anh chồng tuyên bố xanh rờn: “Muốn sống yên ổn thì phải chấp nhận quan hệ tay ba”. Ly hôn thì không biết đi đâu, lại còn hai con nhỏ dại, chị T đành chấp nhận cảnh chồng chung. Việc chăm bố mẹ chồng, nuôi con, đồng áng vẫn mình chị cáng đáng…
Không chỉ có Thái Bình, ở nhiều địa phương khác, chị em phụ nữ có chồng đi làm ăn xa cũng phải chịu tủi nhục, thậm chí còn bị huỷ hoại cuộc đời vì chồng. Chị Nguyễn Thị M ở xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) lấy chồng năm 27 tuổi nhờ người thân mai mối.
Chồng chị là người cùng làng nhưng đi làm ăn trên thành phố, cưới xong lại đi, mỗi tháng về thăm vợ con 1 lần. Sau 5 năm chung sống, mọi người bàng hoàng khi biết chồng chị đã tự tử vì phát hiện nhiễm HIV và để lây sang vợ. Chị M phải ôm cái “án tử hình” đến chậm để nuôi đứa con thơ trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Diệu Linh – Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.