Chuyện riêng của vị tu sĩ vẽ tranh: "Khi đi tu thì tranh của tôi dễ thương và dễ bán hơn"

Y Thụy (thực hiện) Thứ năm, ngày 18/07/2024 11:06 AM (GMT+7)
Trong giới hội họa Sài Gòn, Hà Hùng không phải là cái tên xa lạ, cùng với các họa sĩ thế hệ 7X, ông đã góp phần tạo nên một diện mạo hội họa Sài Gòn đa sắc, không ngừng chuyển động.
Bình luận 0

Hà Hùng có một câu chuyện riêng, hơi khác biệt với các họa sĩ đương thời, khi cách đây 13 năm, ông tự nguyện lui về sống và tu học tại một tịnh thất nhỏ ở quận 9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM).

"Khi đi tu thì tranh của tôi dễ thương và dễ bán hơn"- Ảnh 1.

Họa sĩ Hà Hùng tại xưởng vẽ trong tịnh thất ở TP.Thủ Đức. Ảnh: TL

Họa sĩ Hà Hùng đang triển lãm cá nhân lần thứ 5, với chủ đề "Tương tư phố" (Nostalgia Street) tại Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, P. Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM), kéo dài từ ngày 17/07 đến ngày 24/07/2024.

"Tôi sống, tu hành và vẽ tranh kỷ luật như công nhân"…

-Chào họa sĩ Hà Hùng, xin chúc mừng ông có triển lãm mới. Ông có thể chia sẻ về nguồn cảm hứng chính cho các tác phẩm của mình trong triển lãm "Tương tư phố" này không?

-Nguồn cảm hứng để vẽ những bức tranh "trừu tượng phố" này có lẽ đã có rất lâu rồi, mà tôi cũng không biết nó bắt đầu từ lúc nào nữa. Chỉ biết rằng, phố đối với tôi là dễ vẽ nhất. Tôi đã vẽ phố với nhiều phong cách khác nhau. Lần này vẽ trừu tượng thì nó cũng ra phố. Có lẽ phố phường cuộc sống thường nhật, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi rồi. Nó như có sẵn ở đó, chỉ cần tôi lấy ra bôi lên mặt toan kiểu nào cũng xong.

"Khi đi tu thì tranh của tôi dễ thương và dễ bán hơn"- Ảnh 2.

Họa sĩ Hà Hùng tiếp vợ chồng nhà văn - dịch giả Elena Pucillo & Trương Văn Dân tại khai mạc triển lãm. Ảnh: TL

-Quá trình sáng tạo của anh bắt đầu như thế nào? Có lẽ điều mà nhiều người tò mò cũng như muốn được chia sẻ nhất là: "Có gì khác nhau giữa họa sĩ Hà Hùng trước và sau khi đi tu không?"

-Tôi quan niệm chỉ vẽ cái gì phù hợp với khả năng của tôi thôi. Tôi không nghĩ làm những cái gì thật khó khăn, để có thành công xứng đáng. Tôi chỉ nghĩ con người và đời sống của tôi như thế nào, thì tranh tôi cũng thế. Tôi vẽ rất nhẹ nhàng tự nhiên, có bức được bức không. Nhưng tôi chưa bao giờ ngừng vẽ, cho dù lúc đó tôi không cầm cọ đứng trước tấm toan để vẽ tranh. Còn sự khác nhau trong việc vẽ tranh của tôi trước và sau đi tu thì cũng như không có gì khác về mặt hình thức tạo hình trong tranh cả. Nhưng về mặt tinh thần của bức tranh, thì sau khi đi tu có lẽ tranh tôi hiền lành dễ thương hơn, nên cũng dễ bán hơn.

"Khi đi tu thì tranh của tôi dễ thương và dễ bán hơn"- Ảnh 3.

Một góc triển lãm. Ảnh: TL

-Vậy dường như xuất hiện một nghịch lý ở đây: Khi đi tu, họa sĩ dường như không cần nhiều tiền nữa thì tranh lại bán chạy hơn. Đây cũng là điều khá thú vị. Thưa ông, thường công chúng vẫn có thói quen nhìn nhận nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng phải có một đời sống tự do phóng túng thì mới sáng tạo được. Có đúng vậy không?

-Nói chung mỗi người một quan điểm khác nhau thôi. Còn tôi tu tập theo đạo Phật, là theo tinh thần Phương Đông. Nên tôi chỉ tìm kiếm tự do nội tâm của tôi thôi. Nhưng khi tôi đã có tự do nội tâm rồi thì tôi không cần tìm kiếm những thứ tự do tạo nghiệp chướng khổ đau ở bên ngoài nữa. Nên bây giờ tôi sống, tu hành và vẽ tranh rất có kỷ luật như người công nhân làm việc ngày 8 tiếng trong nhà máy vậy thôi.

"Trước khi vẽ tranh, tôi thắp nhang lên bàn thờ Phật"…

-Ông có thói quen hay nghi thức nào đặc biệt khi bắt đầu vẽ các tác phẩm này không? Và, ông thường dùng chất liệu gì trong các tác phẩm của mình, tại sao?

-Trong studio của tôi có một cái bàn thờ thờ Phật. Nên thường trước khi bắt tay vào vẽ tranh, thì tôi thường thắp nhang lên bàn thờ Phật. Và đó có lẽ là một nghi thức trước khi vẽ tranh chăng?

Về chất liệu thì tôi thường dùng sơn dầu để vẽ tranh. Vì tôi nghĩ vẽ tranh bằng sơn dầu mà màu sắc đầy đặn, no màu, màu dội lên óng ánh. Nên khi nhìn trực tiếp vào bức tranh sẽ thấy đẹp hơn những chất liệu khác. Bởi vì người ta nói, sơn dầu là Nữ Hoàng của chất liệu trong việc vẽ tranh.

-Tác phẩm nào trong triển lãm này của anh mà anh cảm thấy tâm đắc nhất?

-Tác phẩm Phố ngày tết là tôi thích nhất. Vì nó rực rỡ tươi sáng hồn nhiên, mà về tạo hình thì cũng ổn. Tác phẩm này tôi dùng để thiết kế các vật phẩm quảng cáo cho triển lãm "Tương tư phố" của tôi lần này.

"Khi đi tu thì tranh của tôi dễ thương và dễ bán hơn"- Ảnh 4.

Phố ngày tết

-Ông có thể mô tả một ngày làm việc điển hình của mình không?

-Một ngày của tôi bắt đầu từ 3 giờ rưỡi sáng. Và, sau thời kinh sáng thì làm những việc lặt vặt trong Tịnh Thất. Sau đó ăn cơm nguội bữa sáng. Nằm nghỉ một chút rồi qua xưởng vẽ khoảng 9 giờ rưỡi. Đến xưởng vẽ pha cà phê uống, nấu nước pha trà. Khi uống cà phê xong thì lấy màu sơn toan ra vẽ. Trước khi vẽ tôi định hình phác thảo bằng acrylics trước. Ngắm nghía suy nghĩ, nghe nhạc, ca hát một hồi rồi mới bắt tay vào vẽ, là được thôi. Và vẽ liên tục tới 4 giờ chiều thì tôi về Tịnh Thất nghỉ ngơi, tắm rửa tối tụng kinh. Tụng kinh xong ăn tối là lên giường ngủ luôn.

-Ông đối mặt với những thách thức nào trong quá trình sáng tạo và làm sao để vượt qua chúng?

-Lúc trước tôi thường đối mặt với khó khăn trong việc vẽ tranh, là do không có nhiều tiền để mua đủ màu, khung toan phục vụ cho việc vẽ tranh mà thôi. Còn việc vẽ tranh đối với tôi thì lúc nào cũng dễ dàng. Tôi không có cầu thị trong việc vẽ tranh của tôi để đạt được điều gì. Tôi nghĩ mình làm được cái gì thì làm thôi. Có lẽ tôi làm việc không có bằng ai hết. Nhưng tôi không buồn vì điều đó. Vì nói chung sức lực của tôi có chừng đó, thì mình còn có mong muốn gì nữa đâu.

-Xin cảm ơn họa sĩ.

Họa sĩ Hà Hùng tên thật Hà Thanh Hùng, sinh năm 1970 tại Đức Hòa, Long An. Hà Hùng là Hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm chung tại TP.HCM. Năm 2006, Hà Hùng tham gia triển lãm chung tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông có nhiều tranh trong bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập nghệ thuật quá cố Lê Thái Sơn; hiện nay là tu sĩ, pháp danh: Thích Hoằng Toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem