Khi đốt, than và dầu thô chỉ khai thác thêm tối đa 70 năm, cảnh báo "nóng" nguy cơ thiếu điện dài hạn

An Linh Thứ năm, ngày 12/10/2023 14:41 PM (GMT+7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố Báo cáo Kết quả giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021", trong đó nhấn mạnh đến nguy cơ lớn về thiếu hụt năng lượng.
Bình luận 0

Báo cáo nêu rõ, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi.

Thiếu điện từ năm 2024 đến 2050 là hiện hữu

"Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu", Báo cáo của Đoàn Giám sát của UBTVQH nêu.

Theo đó, trong số 6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có đến 3/6 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Đáng lưu ý là, ngành năng lượng nước ta ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu; tài nguyên năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt.

Việt Nam nguy cơ thiếu điện dài hạn, khí đốt, than, dầu thô chỉ khai thác từ 20-70 năm nữa - Ảnh 1.

Dầu thô, than và khí đốt chỉ khai thác được từ 20-70 năm tới, chúng ta sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu (Ảnh: BCT).

Trong khi đó, tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết. Sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, Báo cáo của UBTVQH nhấn mạnh, tỷ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí đốt tự nhiên ngày càng giảm (than còn hơn khoảng 70 năm, dầu thô còn 20 năm, khí tự nhiên còn 40 năm); xu hướng phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trở nên rõ ràng.

Báo cáo cho biết, những bất cập trong cung ứng năng lượng, nhất là việc chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp thực hiện kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia hằng năm, dự trữ xăng dầu, trong đó chưa kịp thời chỉ đạo, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ cuối năm 2022, tình hình thiếu điện ở miền Bắc đầu năm 2023, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cử tri và nhân dân.

Ủy ban Thường vụ nêu, theo Báo cáo "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng" của Ngân hàng Thế giới (WB) (tháng 8/2023), ước tính sơ bộ phí tổn kinh tế của đợt mất điện vào tháng 5-6/2023 là khoảng 1,4 tỷ USD (tương đương khoảng 0,3% GDP).

Trong khi đó, hiện trạng đầu tư nguồn điện, lưới điện phát sinh vấn đề, một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ, chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai.

"Trong quy hoạch năng lượng như việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ", báo cáo nêu rõ.

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.

Việt Nam nguy cơ thiếu điện dài hạn, khí đốt, than, dầu thô chỉ khai thác từ 20-70 năm nữa - Ảnh 2.

UBTVQH cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong ngắn, trung và dài hạn từ năm 2024 đến năm 2050 (Ảnh: EVN).

Đáng chú ý, hiện có một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.

Về xử lý vi phạm trong lĩnh vực năng lượng, báo cáo của UBTV nêu, trong giai đoạn 2016 - 2021, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 15.170 tỷ đồng, 5.960 m2 đất, xử lý hành chính 246 tổ chức, 724 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục, xem xét, xử lý 23 vụ.

Yêu cầu xóa mọi rào cản để thị trường quyết định giá năng lượng

Về giải pháp cần làm ngay trong giai đoạn 2024-2050, báo cáo của UBTVQH nhấn mạnh, cần điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện. Điều này nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, bù đắp chi phí và lợi nhuận hợp lý, bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

"Cần sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần "xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định", rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường", Báo cáo của UBTVQH nêu.

Đặc biệt, UBTV QH nhấn mạnh ngành điện, cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế tách bạch chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích, chi phí xã hội và chi phí quản trị doanh nghiệp hiệu quả đối với giá bán điện. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giá truyền tải điện đảm bảo thu hút đầu tư vào lưới điện truyền tải và theo từng khu vực địa lý.

"Ngành điện cần tính toán, xác định khung giá điện khí để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án điện; hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo", Báo cáo nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem