Tập đoàn Điện lực EVN lỗ 28.700 tỷ đồng 8 tháng đầu năm, nguyên nhân được tiết lộ
Tập đoàn Điện lực EVN lỗ 28.700 tỷ đồng 8 tháng đầu năm, nguyên nhân được tiết lộ
An Linh
Thứ tư, ngày 20/09/2023 09:59 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ KH&ĐT, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục cho thấy tín hiệu xấu, 8 tháng qua, EVN lỗ hơn 28.700 tỷ đồng.
Uỷ ban Quản lý vốn cho biết, số lỗ 6 tháng đầu năm 2023 của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng, ước trong 8 tháng năm 2023 số lỗ là hơn 28.700 tỷ đồng. Như vậy số lỗ 8 tháng của năm 2023 đã tăng khoảng 2.200 tỷ đồng so với số lỗ của cả năm 2022.
Nếu tính cả khoản lỗ năm 2022 là 26.500 tỷ đồng và 8 tháng năm 2023, EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong tính toán tài chính năm 2023 số lỗ mà EVN dự kiến cao hơn nhiều so với con số trên, có thể lên đến gần 65.000 tỷ đồng; trong đó lỗ của công ty mẹ, các công ty điện lực, công ty truyền tải điện quốc gia do phát sinh do giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, khiến chi phí tăng nhưng giá điện vẫn nằm trong cơ chế Nhà nước định giá.
Từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ tăng 3% (tương ứng 55,9 đồng) từ mức 1.864,4 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh giúp EVN có thêm 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số này chưa đủ giúp EVN giải quyết khoản lỗ khủng năm trước cũng như bù giá, chi phí.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất tại dự thảo này là cho phép EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh, tính giá điện dựa trên quy định pháp luật.
Cơ quan này cho biết, cơ cấu giá bán lẻ điện bình quân hàng năm gồm chi phí các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng điện (phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống, điều hành giao dịch thị trường, chi phí dịch vụ phụ trợ, quản lý chung của EVN) và các khoản khác chưa được tính vào giá điện để đảm bảo phản ánh được đúng giá thành và sau đó là có lợi nhuận phù hợp.
Lỗ từ chênh lệch tỷ giá trong 4 năm (2019-2022) chưa được hạch toán của EVN khoảng 14.725 tỷ đồng, theo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2022 của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo từ EVN, năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.
Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay. Vì vậy, EVN đề xuất có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính trong đó có điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.