Khi mỗi người là một viên thuốc quý: Chuyện ghi ở Khoa Ung thư (*)

Minh Yến Thứ tư, ngày 30/10/2019 07:00 AM (GMT+7)
Tôi thực sự không tưởng tượng ra, tại sao và điều gì đã khiến mình sau đó, bình tĩnh đi xuống phòng mổ và trải qua ca đại phẫu một cách nhẹ nhàng đến thế. Có lẽ bởi tôi tin vào câu khẳng định của bác sĩ và của bạn điều dưỡng đó…
Bình luận 0

“Mọi chuyện sẽ ổn thôi”

Tôi cầm tờ kết quả xét nghiệm với chẩn đoán ung thư cổ tử cung khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là con trai mình tròn 5 tuổi. Cảm giác rất khó tả. Nó giống như khi bạn đang chạy và bị hụt chân rơi tõm vào 1 cái hố đen ngòm trong cơn ác mộng. Chỉ khác là, dù tôi có nhéo mặt mình đến cả trăm lần, thì cơn mơ này tôi không được tỉnh lại. Thương con, thương bố mẹ và sợ hãi. Bấy giờ tôi hiểu cảm giác, khi để cho 1 tù nhân nằm dưới máy chém cứ được hạ xuống từ từ, họ sẽ chết trước khi lưỡi dao chạm đến da thịt mình.

Tôi vốn không phải là người quá bi quan nên với sự động viên và trợ lực của gia đình và bè bạn, tôi lấy lại tinh thần khá nhanh. Và tôi nhập viện trong tâm thế rất sẵn sàng.

Nhưng giờ phút xong các thủ tục nhập viện, cô y tá phòng khám đưa tôi lên khoa, tất cả những sự cố gắng mạnh mẽ của tôi bỗng đổ ập xuống. 5 bệnh nhân đi cùng tôi, họ lần lượt rẽ vào các khoa bệnh khác. Chỉ còn tôi, là người cuối cùng, đến khu vực cuối cùng với biển chỉ dẫn mà khi đó tôi cũng coi là cuối cùng: Bộ phận Ung thư!

Ruột gan tôi cồn cào, mắt tôi tối sầm lại, và người tôi lạnh toát. Như một cơn bão, trong đầu tôi, mọi thứ ào về: Tôi có chết ngay không? Tôi còn bao nhiêu năm nữa? Ca mổ sẽ đau đớn ra sao? Những ngày tháng sau này của tôi sẽ thế nào?

Khi mở cánh cửa phòng Hành chính của Khoa Ung thư, tay tôi run rẩy và lạnh toát. Một bạn điều dưỡng trẻ tên Tình, dừng tay ghi sổ sách gì đó, nhìn tôi và mỉm cười. Sau khi nhận hồ sơ bệnh án của tôi từ bạn y tá phòng khám, Tình ngồi xuống đối diện tôi. Câu đầu tiên bạn ấy nói với tôi là: “Chị yên tâm, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Đừng lo lắng quá!”.

img

Cây thường xuân trước phòng bệnh của tôi, cũng là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của những bệnh nhân Khoa Ung thư.

Nếu trong một tình huống hài hước nào đó, có lẽ tôi sẽ quay ra cửa để nhìn lại xem có đúng là mình đang ở trong bệnh viện không hay đã vào nhầm chỗ. Người ngồi đối diện tôi, đang nhìn tôi với ánh mắt của 1 người bạn.

Như người vừa được thở trở lại, tôi bật nói ra cả mớ sợ hãi đang chất đầy trong lòng mình. Và Tình lắng nghe tôi cho đến khi bác sĩ mổ của tôi bước vào.

Trước đó, qua lời của bác sĩ khám, tôi chỉ biết bác sĩ mổ của mình tên là Phúc – một trong những bác sĩ có thâm niên và chuyên môn cao về Ung thư sản. Người tôi lại co cứng lại, tôi chờ đợi những câu hỏi ngắn gọn, lạnh lùng và 1 vài câu dặn dò nguyên tắc cho ca mổ.

Mất 1 chút thời gian đọc bệnh án, bác sĩ từ từ ngẩng đầu lên nhìn tôi và nói: “Được rồi. Cả anh và em đều phải cố gắng nhé. Cả 2 cùng cố gắng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi!”.

Tôi thấy mình như vớ được 1 cái phao. Anh dành thời gian sau đó để nói với tôi 1 cách rõ ràng, tỉ mỉ về những biến chứng có thể xảy ra với ca bệnh của mình, với những thứ mà tôi sẽ có thể phải đối diện. Và kết lại, anh vỗ vào cái vai còm còm của tôi, vui vẻ: “Thế nhé. Lát sẽ có thêm bác sĩ tư vấn cho em, các bạn y tá sẽ đưa thuốc cho em và hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Cứ yên tâm đi. Vừa nãy, em mà vào sớm 1 chút, sẽ gặp 1 chị đã từng mổ như em cách đây 2 năm. Bạn ấy đến khám lại, cười tươi rói và rất xinh xắn! Em cũng sẽ thế thôi!”.

Bác sĩ bước ra khỏi cửa và lòng tôi nhẹ bẫng. Thấy tôi thở phào, bạn Điều dưỡng đón tôi lúc đầu, cười rất tươi: “Cậu (lúc này bạn ấy biết chúng tôi bằng tuổi nhau nên đổi cách xưng hô) thấy không, không có gì đáng sợ đâu. Cậu phối hợp tốt với bác sĩ là sẽ ổn hết”.

Nếu bạn chưa vào khoa bệnh này thì chắc bạn khó có thể hiểu được cảm giác của tôi lúc đó. Trong cái bể hoang mang vô tận của những ngày đầu đối diện với căn bệnh này, một lời động viên, chia sẻ của bác sĩ, giống như cho bạn 1 cứu cánh.

Tôi thực sự không tưởng tượng ra, tại sao và điều gì đã khiến mình sau đó, bình tĩnh đi xuống phòng mổ và trải qua ca đại phẫu một cách nhẹ nhàng đến thế. Có lẽ bởi tôi tin vào câu khẳng định của bác sĩ và của bạn điều dưỡng đó. Thực tế, tôi đã được truyền giảm đau, liều giảm đau quý giá cho cả thể xác và tinh thần trước khi tôi lên bàn mổ.

Cổ tích với tôi, đến đó, có thể đã là rất trọn vẹn rồi.

Nắm tay em sẽ dễ chịu hơn đấy!”

Những ngày sau mổ, trừ những lúc đau đớn do ảnh hưởng của thuốc mê và thuốc kháng sinh, tôi như người đang đi nghỉ dưỡng để viết truyện ngôn tình. Bởi mỗi ngày, tôi lại thấy mình ngạc nhiên và xúc động bởi 1 điều thú vị, 1 người thú vị.

Tôi ở phòng bệnh bình thường theo quy định bảo hiểm của khoa. Phòng có 4 giường bệnh, sạch sẽ và thơm tho. Sáng nào cũng có 2 cô đến lau dọn, quét tước từ sớm. Các cô nhớ tên từng bệnh nhân và trò chuyện thân mật. Hỏi han về cảm giác của chúng tôi mỗi sáng.

Các bạn điều dưỡng, y tá ghé thăm chúng tôi thường xuyên. Đôi lúc đùa vài câu khiến cả phòng toét miệng cười. Căn phòng bệnh viện lạnh lẽo trong tâm trí của tôi, gần như không còn nữa. Sự ấm áp ở đây làm tôi phấn chấn.

Khi bắt đầu được đi lại, tôi tập đi dọc hành lang, ngó nghiêng vào các phòng khác hoặc phòng trực của bác sĩ để mỉm cười và gật đầu chào. Cây thường xuân xanh mướt trước phòng bệnh của tôi, khiến tôi thấy mình tươi tắn mỗi ngày.

Sau mổ, mỗi ngày tôi được tiêm 2 mũi kháng sinh. Ven tôi rất mảnh, dễ vỡ nên nhiều lúc, tiêm chưa xong mũi đã vỡ ven, các bạn lại phải tìm vị trí khác. Tôi nhát đau từ bé nên luôn sợ. Tôi nhớ lần tiêm đầu, tôi run run hỏi bạn y tá trẻ: “Em ơi, chị có phải nắm chặt tay lại cho ven nổi không?”. Cô bé xinh xắn ấy nhìn tôi và bảo: “Chị nắm tay em sẽ dễ hơn”. Và điều đó lặp lại suốt quá trình bạn ấy tiêm cho tôi những ngày sau đó. Tôi vẫn tự đùa mình, có thể mình háo sắc chăng mà vì nắm tay bạn ấy, mình không thấy đau.

Thực ra tôi biết, sự ấm áp và yêu thương của các bạn ấy đã giảm đau trước khi mũi kim đâm vào da thịt tôi rồi.

Sau 10 ngày, tôi được ra viện. Và lần đầu tiên, tôi thấy mình lưu luyến. Tự dưng thấy sẽ nhớ nhớ các chị lao công buổi sáng, các chị điều dưỡng và bạn y tá trẻ trẻ sáng nào cũng hỏi: “Chị Yến hôm nay khỏe hơn chưa?” hay “Hôm nay chị xinh hơn rồi nhé!”. Tôi nhớ cả những buổi tối, lê dép quèn quẹt tập đi và ngó vào phòng trực đêm chào các bạn.

Ngày ra viện, tôi dặn chồng mua giúp mình đôi bó hoa hướng dương thật tươi và 2 chiếc thiệp. Dòng chữ đầu tiên tôi viết sau ca mổ còn run run là những lời gửi cho bác sĩ của tôi và những bạn điều dưỡng, y tá cùng các cô lao công của khoa.

Tôi không biết nói gì để diễn tả những cảm xúc và những điều tuyệt vời tôi đã nhận được từ họ trong những ngày khó khăn vừa qua của cuộc đời mình. Tôi chỉ biết biết gói lại trong hai chữ “Cảm ơn!” nhỏ bé ấy.

Khi mỗi người là 1 viên thuốc quý

Tôi vẫn nghĩ, cuộc sống như 1 khối domino khổng lồ và cái khoa bệnh nhỏ bé của tôi trong 10 ngày ấy là 1 trong số những dãy domino màu xanh đẹp đẽ nhất. Tôi nhận được tình yêu và sự quan tâm của bác sĩ, của những bạn điều dưỡng, y tá, của bạn bè, người thân và tôi truyền lại điều đó 1 cách tự nhiên cho những bệnh nhân khác.

Nếu ai nói, một người siêu phàm nào đó những ngày đầu đối diện với căn bệnh Ung thư mà hoàn toàn bình tĩnh và vui vẻ, tự tin thì chắc chắn đó là 1 lời nói dối. Ở khoa bệnh của tôi, người trẻ thì đau đớn vì cuộc đời mới mở ra dường như đã bị đóng lại; người làm mẹ như tôi thì thương con còn quá nhỏ, nhưng thậm chí những cô bác đã lớn tuổi, họ vẫn rất sợ dù con cái đã trưởng thành và những mối vướng bận với cuộc đời đã không còn nhiều nữa.

Sợ chết là 1 chuyện nhưng ai cũng sợ hành trình tiếp theo đó sẽ là 1 chuỗi những tháng ngày đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần… Và họ sợ những cái đơn giản hơn rất nhiều: Mổ có đau không? Gây mê có đáng sợ không? Thậm chí uống viên thuốc để đẩy chất thải trong ruột ra ngoài trước khi mổ có kinh khủng không? Thậm chí, sợ có đủ tiền để chạy chữa hay không?

Từng bước trong lộ trình điều trị của tôi, cảm giác thế nào, mọi chuyện sẽ ổn ra sao không chỉ được các chị điều dưỡng, các bạn y tá mà ngay cả các bệnh nhân cũ cùng phòng nói trước cho tôi. Khi đã hình dung được chặng đường mình sẽ đi qua, cảm giác mình sẽ phải đối diện, tôi bình tĩnh đón nhận và vượt qua nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cũng như vậy, tỉnh dậy sau mổ, tôi cũng lại nói về cảm giác “yên tâm” của mình khi trải qua ca đại phẫu với các bệnh nhân mới đang chờ mổ. Chúng tôi truyền lại cho nhau sự mạnh mẽ của người đã bước qua.

Vậy là rất nhanh chóng, cả dãy phòng bệnh của chúng tôi trở nên thân thiết. Chúng tôi gọi nhau bằng tên của bệnh thường xuyên hơn là gọi bằng tên của mình. Câu chuyện của những người đồng cảnh ngộ, cùng nỗi đau dễ gần hơn rất nhiều.

Chúng tôi thường xuyên gửi lời chúc mừng khi một ai đó nhận được kết quả giải phẫu là lành tính. Lời chúc mừng thực sự. Bởi ở nơi này, không còn tị nạnh, chúng tôi chỉ mong may mắn sẽ đến, với ai cũng được.

Tôi nhớ, ngày tôi nhận kết quả giải phẫu bệnh ung thư giai đoạn đầu, từ bác hơn 70 tuổi mổ sa tử cung đến bạn tiền  ung  thư cổ tử cung ở phòng bên, dù mới mổ chưa được nhiều ngày, cũng đi sang phòng để chúc mừng tôi. Vì tôi đã may mắn hơn rất nhiều người ở đây!

Vậy là, từ những người đồng bệnh, chúng tôi trở thành những viên thuốc quý cho nhau. Có những ngày, cả dãy phòng bệnh chúng tôi vang đầy tiếng cười. Chúng tôi cho nhau 1 sự yên tâm và tin tưởng. Rằng con đường mình đang đi này, khó khăn nhưng rồi mọi chuyện đều sẽ qua, và mọi thứ chắc chắn đều sẽ ổn mà thôi!

Kính tặng bác sĩ Nguyễn Đức Phúc và các bạn điều dưỡng, y tá của Khoa Ung thư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

 *Bài viết là những câu chuyện nhỏ ghi tại bệnh viện của chị Minh Yến (Hà Nội), một người vừa trở về sau ca phẫu thuật ung thư cổ tử cung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem