Khi nào "đinh tặc" bị xử lý hình sự?

Thứ ba, ngày 14/02/2023 11:24 AM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu rải đinh gây hậu quả nghiêm trọng như chết người hay thiệt hại tài sản từ 100 triệu trở lên, "đinh tặc" sẽ bị xử lý hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ.
Bình luận 0

Theo quy định, hành vi rải đinh trên đường gây hư hỏng các phương tiện có thể bị xử lý ra sao? Trường hợp nào "đinh tặc" sẽ bị áp dụng chế tài hình sự?


Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình cho hay:

Khoản 10, Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định cá nhân thực hiện các hành vi như ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng.

Ngoài ra, người có hành vi rải đinh buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc các vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi của mình gây ra.

Trên thực tế, hành vi rải đinh thường nhằm gây thủng săm xe, buộc người điều khiển phương tiện phải vá với giá “cắt cổ”. Tuy nhiên, bên cạnh việc gây thiệt hại đến phương tiện và buộc người tham gia giao thông phải dừng lại để sửa chữa thì hành vi này có có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông gây chết người, thương tích hoặc thiệt hại lớn về tài sản.

Khi nào 'đinh tặc' bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, "đinh tặc" có thể bị xử lý hình sự.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, "đinh tặc" có thể bị xử lý hình sự về các tội Cản trở giao thông đường bộ (Điều 261) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178) thuộc Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61% trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ đối diện mức phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp hành vi được thực hiện tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm, làm chết từ 2 người trở lên hay gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên..., tùy thuộc các tình tiết định khung, mức án cao nhất người phạm tội phải đối mặt có thể lên đến 10 năm tù.

Đối với tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tùy thuộc giá trị tài sản thiệt hại cùng các tình tiết định khung khác, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 20 năm tù.

Theo Hoàng Linh/Zing.vn (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem