“Kho báu” của làng Đăk Răng

Quốc Dinh Thứ sáu, ngày 27/03/2015 08:00 AM (GMT+7)
Tiếng đàn Ta Lun lúc nhẹ nhàng trầm bổng với “giao duyên”; lúc réo rắt như hối thúc với “Gọi con gái đem lửa đến nhà rông”... Đó là tiếng đàn của già Brol Vẻ- người thành thạo 15 loại nhạc cụ, được dân làng Đăk Răng coi như kho báu của làng.
Bình luận 0

Nhờ đàn Ta Lun mà được vợ

Chẳng nhớ tự bao giờ nhưng có lẽ từ lúc còn nhỏ lắm, già Brol Vẻ -người dân tộc Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (Ngọc Hồi, Kon Tum) đã say mê tiếng khèn, tiếng đàn của người cha mình. Hồi đó, cậu bé Vẻ chưa biết làm đàn, chưa biết thổi khèn, chỉ biết thích nghe những điệu nhạc mà cha mình thổi thôi. Rồi không ngăn được tò mò cũng như sự hối thúc, Vẻ xin phép cha được học đàn… Vậy mà đến nay, Nghệ nhân dân gian Brol Vẻ không chỉ biết chế tác, sử dụng thành thạo 15 loại nhạc cụ ông cha truyền lại, mà đang miệt mài ngày đêm truyền nghề cho lớp thanh niên.

img

Già làng Brol Vẽ bên đàn

Chiêu ngụm nước, già Vẻ ngước nhìn lên xà nhà, như muốn tìm về những ký ức đã chôn sâu dưới lớp bụi thời gian… Làng Đăk Răng vốn gốc ở bên Lào. Năm 1911, làng xin nhập cư địa phận tỉnh Kon Tum. Thời chiến tranh bom đạn ác liệt, dân làng phải ly tán khắp nơi. Mãi sau giải phóng, một bộ phận dân làng chuyển về làng Đăk Răng bây giờ. Bởi thích âm nhạc nên trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cậu thanh niên Vẻ cũng không bỏ vốn văn hóa cha ông. Dù biết nhiều thứ nhưng với Vẻ, cây đàn Ta Lun vẫn là thứ nhạc cụ đam mê nhất. Để chơi được những bài nhạc giao duyên bằng đàn Ta Lun, Vẻ đã học suốt 3 tháng trời không ngừng nghỉ.

Cũng chính nhờ biệt tài chơi đàn Ta Lun mà Vẻ đã lấy được người vợ đầu tiên của mình. Ông kể rằng, theo tục lệ của người Triêng, thanh niên lớn lên phải đi ngủ ở nhà rông, con gái lớn thì được bố mẹ làm cho nhà sàn riêng để ngủ. Để rủ bạn tình, chàng trai phải thổi bài nhạc giao duyên để quyến rũ cô gái mình ưng ý. Tiếp đó lại thổi bài mời con gái đem lửa củi đến nhà rông để đốt và nói chuyện tình yêu… Nếu cô ưng ý, sẽ đem củi tới nhà rông để chàng trai đốt. Sau đó, hai người về nhà riêng của cô gái để ngủ và trò chuyện cho đến gần sáng. Chàng trai phải rời nhà cô gái trước lúc ông mặt trời lên… Tất nhiên không ít chàng trai chơi được đàn Ta Lun nhưng chinh phục được tình yêu thì phải nhờ sức nặng của tiếng đàn. Và Vẻ đã thắng các chàng trai khác nhờ sức nặng của tiếng đàn kỳ diệu ấy…

Đau đáu nỗi niềm

Nghệ nhân Brol Vẻ không giấu được tiếng thở dài khi nói chuyện với chúng tôi về sự thờ ơ của lớp trẻ với văn hóa cha ông. Dù vậy, với tâm niệm quyết không để mất vốn quý ấy, già vẫn tìm mọi cách khích lệ lòng đam mê của lớp trẻ để truyền nghề cho họ. Việc làm đáng quý nhất của người nghệ nhân già là đã mở lớp dạy miễn phí cho thanh niên 3 xã Đăk Dục, Đăk Ang, Đăk Nông của huyện Ngọc Hồi… Không chỉ nhiệt tâm truyền nghề cho lớp trẻ, Nghệ nhân Brol Vẻ còn miệt mài với công việc chế tác nhạc cụ.

Với già, làm nhạc cụ không phải để kiếm tiền mà là một cách gìn giữ, khơi dậy ý thức của lớp trẻ với di sản cha ông. Những loại nhạc cụ mà chỉ có già Vẻ chế tác được tới 15 loại gồm khèn, đàn Bing Long, Ong Eng Ot, Gior, Ta Lun, Ta Lể… Theo già Vẻ, khó nhất và kỳ công nhất phải nói đến làm khèn. Có khi cả năm mới làm được một cây. Phải chọn loại trúc không mắt ở trên rừng, đem về phơi khô, ngâm nước để chúng không bị mối mọt. Rồi phải làm lẫy khèn để thổi sao cho âm thanh đúng như ý muốn…

Cái tâm của già Vẻ cuối cùng cũng đã lôi cuốn được không ít người. Nhờ được Brol Vẻ truyền nghề, anh Bloong Viên đã học được khá nhiều loại đàn. Anh kể: “Trước đây mình chẳng biết gì về đàn, nhờ được già Brol Vẻ dạy cho, mình đã biết sử dụng Ta Lên, Ta Lun... Giờ mình đang học già Vẻ cách chế tác các loại nhạc cụ; cố gắng học càng nhiều càng tốt để sau này còn truyền lại cho con cháu”…

Nhiệt tâm của già Brol Vẻ đã được ghi nhận xứng đáng. Ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”, là 1 trong 7 nghệ nhân ở tỉnh Kon Tum thuộc các lĩnh vực chế tác, diễn tấu, truyền dạy nhạc khí dân tộc và diễn xướng sử thi.

“Hơn 70 mùa rẫy rồi, chẳng còn mấy nữa mà phải về với ông bà. Bởi vậy mình phải cố gắng dạy cho nhiều cháu nhỏ, càng nhiều càng tốt. “Hổ chết để da, người chết để tiếng”, nhưng mình không phải làm để lấy tiếng đâu vì cái kho báu của ông bà giao cho mình. Nếu không giao lại được cho cháu con, mai mốt xuống “làng ma” còn mặt mũi nào nhìn ông bà nữa”– già Vẻ cười hóm hỉnh.

  Già làng Brol Vẻ đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”, là 1 trong 7 nghệ nhân ở tỉnh Kon Tum thuộc các lĩnh vực chế tác, diễn tấu, truyền dạy nhạc khí dân tộc và diễn xướng
sử thi.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem