Tử Cấm Thành hay Cố Cung nằm giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, ngay cạnh quảng trường Thiên An Môn. Nơi đây từng là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh Trung Quốc (từ năm 1421 đến năm 1925).
Tử Cấm Thành rộng gần 789.000 mét vuông gồm 800 cung và 9999 phòng. Nơi đây cất giữ hơn 1.680.000 vật báu bao gồm cả các văn vật nghệ thuật quan trọng nhất của người Trung Quốc.
Gần 99% kho báu khổng lồ này không được trưng bày công khai mà được lưu giữ dưới lòng đất.
Theo các chuyên gia, nếu tất cả những cổ vật này được công khai, thì giá trị ước tính của kho báu ấy thậm chí có thể mua toàn bộ châu Âu.
Dưới đây là một số báu vật vẫn còn đang “ngủ yên” dưới Tử Cấm Thành:
Chiếc cốc rượu bằng vàng này được Vua Càn Long yêu cầu chế tác cho sinh nhật 30 tuổi của mình (1793).
Dòng chữ “Kim ân vĩnh cố” khắc trên cốc như lời chúc triều đại nhà Thanh trường tồn. Cốc cao 12,5 cm, với bán kính 8 cm và được chạm trổ tinh xảo, được gắn ngọc trai và kim cương.
Sau này, chiếc cốc quý giá ấy vẫn được các Hoàng đế nhà Thanh ngự dùng trong những buổi tổ chức lễ khai bút đầu năm và được xem như "trấn quốc chi bảo" của triều đại này.
Từ Hy Thái hậu nổi tiếng xa hoa bậc nhất lịch sử Trung Quốc. Cả đời bà yêu thích các bảo vật phương đông như ngọc trai, mã não… và đặc biệt là ngọc Phỉ Thúy. Trong số hàng ngàn, hàng vạn các món bảo vật, Từ Hy Thái hậu yêu thích nhất là cặp ngọc Phỉ Thúy dưa hấu. Bà coi nó như sinh mệnh của mình.
Phỉ Thúy dưa hấu được sinh ra tự nhiên từ núi Côn Luân. Vỏ dưa màu xanh thúy lấp lánh có các đường màu xanh đậm có thể nhìn thấy các hạt dưa đen và phần đỏ bên trong. Phỉ Thúy dưa hấu được đặt ở một chiếc giá vững chắc nhất và được khóa cẩn thận. Nếu muốn mở chiếc khóa này, phải cắm chìa khóa vào chính giữa rồi xoay trái 5 lần. Những lúc muốn ngắm Phỉ Thúy dưa hấu, Từ Hy Thái hậu lại ra lệnh cho thái giám đem đến để khoe với mọi người về báu vật độc nhất vô nhị trong thiên hạ.
Ngoài Phỉ Thúy dưa hấu, bên trong lăng mộ Từ Hy Thái hậu còn có hai cây bắp cải Phỉ Thúy tinh xảo khác. Cuống cải trắng nõn, lá cải bao quanh trên lá có con châu chấu bên cạnh lá màu xanh còn có hai con ong vàng, sống động y như thật, ở thời điểm đó nó có giá khoảng mười triệu lượng bạc, bây giờ bắp cải Phỉ Thúy trở thành báu vật vô giá.
Từ Hy Thái hậu coi ngọc Phỉ Thúy quý giá hơn tất cả các loại châu báu khác. Vì vậy, nếu muốn thăng quan tiến chức hay được ban thưởng hậu hĩnh, quan lại triều đình thường tìm ngọc Phỉ Thúy quý hiếm để tiến dâng lên thái hậu.
Trên mũ phượng của Từ Hy Thái hậu có gắn 9 con phượng hoàng. Mỗi con chim phượng hoàng này trong miệng đều ngậm 1 viên Dạ Minh Châu. Mỗi viên Dạ Minh Châu này có kích cỡ to nhỏ là khác nhau. Từ trong bóng tối, những viên Dạ Minh Châu này có thể phát ra ánh sáng trắng, khi đặt ở bên ngoài chỗ có ánh sáng thì nó lại khôi phục nguyên dạng như ban đầu.
Chiếc mũ này cũng là trân bảo “có một không hai” trên thế gian. Trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, có giá trị lên tới 10 triệu lượng bạc.
Từ Hy Thái hậu khi qua đời còn được mai táng theo số trân kỳ dị bảo có giá trị lên tới hàng trăm triệu lượng bạc.
Trước khi Từ Hy Thái hậu nhập quan, trong quan tài phải trải sẵn ba lớp gấm quý đan tơ vàng có đính một lớp trân châu, tổng cộng dày một thước. Tính sơ trong đó có 85 viên đá quý, 203 miếng bạch ngọc, cùng hàng ngàn viên trân châu được đính trên y phục hay chăn nệm.
Tương truyền rằng, sau khi bỏ đồ bồi táng xong, thấy quan tài vẫn còn chỗ hở, các quan phụng táng lại đổ thêm vào 4 hộp trân châu và 2.200 miếng hồng thạch, lam thạch, lục thạch.
Riêng số châu báu “điền vào chỗ trống” này đã đáng giá 130.000 lượng bạc trắng.
Ngoài những cổ vật được tạo tác từ các nguyên liệu quý, trong Cố Cung hiện nay còn lưu giữ hơn 156.000 văn vật giấy, trong đó có 53.000 tác phẩm hội họa, 75.000 bức thư pháp cùng 28.000 mẫu chữ khắc.
Tiêu biểu là Bức họa "Thanh minh thượng hà đồ". Đây là một bức họa kinh điển của Trung Hoa, tác phẩm của Trương Trạch Đoan - họa sĩ nổi tiếng thời nhà Tống. Kiệt tác này dài hơn 5 m, mô tả cuộc sống của người dân bên dòng Biện Hà trong lễ tảo mộ. Tranh có 500 nhân vật với các kiểu trang phục và hoạt động khác nhau.
Tranh lụa dệt được coi là hình thức hoàn mỹ nhất trong ngành lụa. Các sợi lụa nhuộm màu đan cài nhau tạo thành hình như ý. Với chiều dài 104 cm và chiều rộng 36 cm, bức tranh "Chim ác là và hoa mận" được coi là điển hình của tranh lụa dệt thời Nam Tống.
Tử Cấm Thành đồng thời cũng là viện bảo tàng lưu giữ nhiều cổ vật đồ đồng nhất trên thế giới với tổng cộng 16.000 chiếc. Ngoài ra, nơi đây còn bảo quản hơn 11.000 đồ vàng bạc, 19.000 cổ vật sơn mài, hơn 6.600 đồ tráng men, 11.000 đồ mỹ nghệ, 6.200 cổ vật cung đình thời Minh – Thanh…
Theo số liệu thống kê được công khai, số cổ vật được trưng bày trong Cố Cung và cất giữ dưới lòng đất tổng cộng có hơn 1.800.000 văn vật.
Thế nhưng mỗi năm, nơi đây chỉ trưng bày hơn 10.000 loại. Như vậy, muốn xem hết toàn bộ kho báu của Tử Cấm Thành, hậu thế sẽ phải mất tới… 180 năm.
Nguyễn Quỳnh (Đời Sống & Pháp Luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.