Khó định được giá trị sừng tê giác, ngà voi để xử lý hình sự

Lương Kết Thứ hai, ngày 20/02/2017 11:18 AM (GMT+7)
Sáng 20.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 7, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã đến dự phiên họp với tư cách là người đại diện cho bộ.
Bình luận 0

Là người phát biểu đầu tiên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã băn khoăn về vấn đề định giá trị của các loại hàng cấm để làm căn cứ, định tội, định khung hình phạt khi xử lý hình sự đối tượng vi phạm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng, sừng tê giác trong nhân dân coi là sản phẩm có giá trị rất cao, nhưng để xác định giá trị của sừng tê giác thế nào là việc rất khó.

"Ở nhiều nước trên thế giới, đối với sừng tê giác hay ngà voi cơ quan chức năng bắt được là nghiền tiêu hủy ngay. Đặt câu chuyện xác định trị giá thế nào, ngay cả đại diện của Bộ NN&PTNT ở đây cũng không xác định được giá trị những loại như vậy" - ông Bình nói.

img

Tiêu hủy ngà voi buôn lậu (ảnh minh họa).

Vẫn theo Chánh án TAND Tối cao, có nhiều địa phương họp để hướng dẫn định khung hình phạt khi xét xử đối tượng buôn bán tê giác, ngà voi gặp rất nhiều khó khăn.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích thêm, không chỉ có sừng tê giác, ngà voi, khi xử lý hình sự hành vi buôn lậu thuốc lá hay các loại hàng giả khác cũng gặp khó khăn.

"Ví dụ như, chai rượu ngoại giả khi người bán lừa được người mua trên thị trường thì giá trị cao, nhưng chai rượu giả đó bị cơ quan chức năng bắt thì giá trị cũng bằng không. Đề nghị cơ quan soạn thảo và Chính phủ cần nghiên cứu thêm, tham khảo kinh nghiệm các nước, với các loại hàng cấm nếu yêu cầu định giá trị thì rất nhiều mâu thuẫn, khó khăn trong thực hiện" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình kiến nghị.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mặt hàng cấm khi cơ quan chức năng thu giữ được thì tiêu hủy theo các công ước, điều ước quốc tế. Nhưng vấn đề đặt ra là số lượng, khối lượng, giá trị để định tội và lượng hình đối với người vi phạm.

"Ví dụ với 1kg sừng tê giác thu được cũng phải tiêu hủy, nhưng người buôn bán đến 100kg, 1.000kg sừng tê giác thì tội phải khác với người buôn 1kg. Bây giờ vấn đề định lượng hay tính giá trị, khi nào tính theo số lượng, khối lượng, khi nào tính giá trị, đây là vấn đề đặt ra" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng, sừng tê giác chỉ nên định lượng, còn nói về giá trị thì rất khó. Hiện chưa có tài liệu nào khẳng định tác dụng của sừng tê giác, giá trị của nó xuất phát từ hoạt động ngầm trên thị trường.

Sáng 20.2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - đại diện cho Bộ Công Thương - đã đến dự phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bà Thoa đang gây chú ý của dư luận sau khi Văn phòng T.Ư Đảng truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ khối tài sản gần 700 tỷ đồng của bà và người thân thông qua giá trị cổ phiếu ở Công ty Bóng đèn Điện Quang.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng xác định bà Hồ Thị Kim Thoa với vai trò Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, có phần trách nhiệm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.

Với các khuyết điểm trên, ngày 24.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định kỷ luật khiển trách đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem