Khô hạn kéo dài, giảm sốt xuất huyết

Hùng Phiên - Nguyễn Trang Thứ năm, ngày 04/09/2014 16:12 PM (GMT+7)
Theo Cục Y tế dự phòng, nếu như năm 2013, khu vực miền Trung bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH) với mức tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc SXH tới 40% thì năm nay số bệnh nhân lại giảm mạnh.
Bình luận 0

Ngày 3.9, Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên cho biết, năm vừa qua, tỉnh này là địa bàn trọng điểm của dịch SXH ở miền Trung - Tây Nguyên, thế nhưng SXH năm nay đã giảm mạnh. Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh ghi nhận có 291 ca SXH rải rác tại 10 điểm dịch, 1 ca tử vong; trong khi cùng kỳ năm ngoái, tỉnh có đến 2.111 ca SXH, 3 ca tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên, SXH năm nay giảm mạnh là do địa phương đã chủ động đồng bộ các biện pháp khống chế ngay từ đầu. Đó là việc phối hợp truyên truyền, tổng vệ sinh, phun hóa chất diệt bọ gậy, bao vây xử lý nhanh các ổ dịch ngay khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, cũng đã hạn chế phát triển của muỗi truyền bệnh.

Tại Bình Định, Quảng Nam trong năm 2013 cũng ghi nhận hàng ngàn ca bệnh. Hiện ở 2 tỉnh này, số ca mắc SXH giảm mạnh.

Trực tiếp xử lý phun hóa chất phòng SXH tại địa bàn xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), ông Nguyễn Minh Ẩn, nhân viên Trạm y tế xã cũng khẳng định, năm nay thời tiết khô ráo nên muỗi không có điều kiện sinh sôi. “Tuy nhiên, ở các vùng thấp trũng, chúng tôi vẫn phun hóa chất diệt loăng quăng để tránh muỗi từ nơi khác bay tới”- ông Ẩn nói

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ cuối năm 2013, Bộ Y tế đã giao Viện Pasteur Nha Trang cử đoàn giám sát hoạt động phòng chống SXH tại một số tỉnh miền Trung, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng và chống SXH từ đầu mùa dịch 2014.

Hiện tại, nước ta có 4 loại thuốc hóa chất diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép nhưng tại một số tỉnh miền Trung, phân nửa loại thuốc này đã bị muỗi kháng thuốc hoặc phải tăng nồng độ. Vì thế, hiện các tỉnh miền Trung cũng đã thống nhất việc pha và phun hóa chất diệt muỗi phải được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế; việc phòng, chống phải làm đồng bộ và có sự thống nhất trong tỉnh và giữa các tỉnh để tránh việc muỗi “di cư” từ địa bàn này sang địa bàn khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem