Khó khăn tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo nông thôn

Thùy Anh Thứ tư, ngày 23/09/2020 06:05 AM (GMT+7)
Tại Việt Nam, hơn một nửa lao động nữ sống, làm việc ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vấn đề tạo việc làm, tiếp cận điều kiện an sinh - xã hội cho lao động nữ gặp nhiều khó khăn, bởi đa phần họ có tay nghề thấp.
Bình luận 0

Tăng quyền tiếp cận học nghề, việc làm

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu bàn thảo bên lề của hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới, được Oxfam và Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) tổ chức vào ngày 22/9 vừa qua.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đang được thực hiện bao gồm các chỉ tiêu quan trọng với phụ nữ nông thôn: "Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50% vào năm 2020" và "Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100% vào năm 2020".

Ngoài ra chương trình "Sáng kiến thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình" cũng đã hỗ trợ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nguồn vốn chính thức và phi chính thức. Kết quả, các chương trình này đã tạo việc làm, giúp tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn. Ngoài vấn đề tăng cường năng lực về phát triển kinh tế, vốn vay, quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, các cơ quan quản lý đã hỗ trợ phụ nữ nông thôn tăng cường tiếp cận đất đai, pháp luật một cách thực chất.

Khó khăn tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo nông thôn - Ảnh 1.

Tạo việc làm bền vững, chất lượng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới. (Ảnh: Tạo việc làm nghề mộc cho lao động nữ ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Ảnh: Thùy Anh

Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức hiện nay còn khá cao, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (62,4% số lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% số lao động nữ làm những công việc giản đơn).

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bích Loan - Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ ở khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

"Khó khăn đầu tiên chính là việc tiếp cận với vấn đề học nghề, tạo việc làm. Đa số lao động nữ ở nông thôn chỉ học nghề sơ cấp, giản đơn, chưa được học nghề trình độ cao. Vì thế khả năng tiếp cận với việc làm chất lượng, thu nhập cao còn hạn chế. Hạn chế tiếp cận việc làm tốt cũng là rào cản khiến họ khó có khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, thông tin, nước sạch... và cả trong chính trị" - bà Loan nói.

Để tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề, việc làm cho phụ nữ nông thôn, các bộ ngành cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong khu vực nông nghiệp, nông thôn - ông Đào Trọng Độ - Phó vụ trưởng Vụ Ðào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐTBXH) nhấn mạnh. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề; thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn.

Thiệt thòi trong tiếp cận quyền cơ bản

Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An) cho biết, mặc dù tỉnh có nhiều chính sách thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Lý do là bởi nhận thức, tâm lý của xã hội và từ chính phụ nữ. "Hiện tổng số lao động nữ được tạo việc làm của tỉnh đạt 45%. Số lao động được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật 252.258 người, trong đó, lao động nữ được đào tạo nghề là 68.866 (đạt 27%)" - bà Nguyệt nói.

Khó khăn tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo nông thôn - Ảnh 3.

Ðể tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho phụ nữ, nhiều địa phương đã có những mô hình hay, sáng tạo, và hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn gặp khó.

Ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc quốc gia Oxfam Tại Việt Nam nhận xét, những hạn chế này là do các chương trình thúc đẩy đẳng bình đẳng giới của chúng ta chưa thực chất.

"Về cơ bản, chúng ta có đầy đủ văn bản pháp luật, chương trình bình đẳng giới. Thế nhưng việc triển khai hành động của chúng ta lại chưa được như mong đợi. Đa phần chương trình mới chỉ dừng lại ở cổ động, truyền thông mà triển khai còn chưa cụ thể" - ông Tú nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Tú, các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ chưa thật sự hấp dẫn, thiếu các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho biết, việc thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp đang diễn ra ở khu vực nông thôn đã gây bất lợi cho phụ nữ nông thôn, khiến nhiều lao động nữ thất nghiệp trên chính mảnh ruộng của mình. Chị em có trình độ kỹ thuật thấp, khó tiếp cận được với các phương thức sản xuất hiện đại.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về phụ nữ dân tộc, nhiều phụ nữ chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển. Cụ thể có 26,56% phụ nữ không biết đọc, biết viết; chỉ 7,2% số lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% phụ nữ đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (phụ nữ dân tộc Kinh là 56%). Ðây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ nông thôn, miền núi, phụ nữ là người dân tộc thiểu số nói riêng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem