Khó nhất trong cải cách tiền lương là giảm biên chế và tạo nguồn

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 18/12/2017 06:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đang gấp rút lên phương án cải cách tiền lương trình Chính phủ và Quốc hội vào đầu năm 2018, Báo NTNN đã có cuộc đối thoại với ông Phạm Minh Huân (ảnh) - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia để làm rõ hơn những vấn đề trên.
Bình luận 0

img

Ông Phạm Minh Huân  - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia

Giảm biên chế mới có thể tăng lương

Nhiều người cho rằng cải cách tiền lương rất khó khăn, phức tạp, không dễ làm. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến này, tuy nhiên không phải vì khó khăn phức tạp mà chúng ta không làm. Lịch sử đã ghi nhận chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương và hiện nay, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương cũng đang có chương trình, kế hoạch để xây dựng phương án cải cách tiền lương lần thứ 5 và trình các cơ quan thông qua vào đầu năm 2018. Kinh nghiệm cho thấy, trong suốt quá trình cải cách, khu vực khó cải cách nhất là khu vực công. Khu vực công được hiểu là khu vực hành chính, sự nghiệp công. Khu vực doanh nghiệp tư cũng đang gặp vấn đề, nhưng bản chất dễ tính toán hơn so với khu vực công.

img

Muốn cải cách tiền lương cần tạo nguồn, tinh giản bộ máy quản lý.  Ảnh: I.T

"Rõ ràng vấn đề tiền lương với vấn đề nâng cao chất lượng bộ máy quản lý có tính nhân quả. Bộ máy quản lý của chúng ta lâu nay chỉ được nói đến như là sự cồng kềnh, nhưng thực tế bộ máy không chỉ cồng kềnh mà chất lượng còn rất thấp. Do đó, cách tốt nhất để tạo ra một bộ máy tốt là phải xây dựng được một mức lương tốt”.

Ông Phạm Minh Huân

Cụ thể những khó khăn mà chúng ta sẽ phải đối mặt khi thực hiện cải cách tiền lương cả khu vực công – tư là gì, thưa ông?

- Có nhiều khó khăn trong cải cách tiền lương. Cụ thể với khu vực công, đây là khu vực tiền lương phân phối lại, nghĩa là tiền lương trả cho khu vực công được lấy từ tiền thuế của dân và tiền thuế của doanh nghiệp, nên khi tiến hành cải cách tiền lương với khu vực công cần phải chú ý tới hai vấn đề chính đó là đối tượng trả lương và nguồn trả lương. Nếu nguồn trả lương hạn chế mà đối tượng trả lương (tức biên chế) càng phình ra thì khó cải cách.

Đáng buồn là mỗi lần tôi nghe thấy nghị quyết đề ra phải giảm 10% biên chế, thực tế không giảm được mà còn phình to hơn. Cải cách tiền lương đặt ra vấn đề, một bên cần phải giữ bộ máy để quản lý còn bên kia là câu hỏi vậy giữ bộ máy ấy thì tiền ở đâu, nguồn nào để cải cách? Vấn đề cải cách tiền lương thực sự đã trở thành vấn đề cấp thiết, Trung ương cũng đã rất quyết tâm, chính vì vậy, tôi hy vọng quy hoạch bộ máy quản lý sẽ phù hợp, tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ để cải cách tiền lương.

Ngoài vấn đề tinh giản biên chế, tôi thấy vấn đề tạo nguồn để cải cách cũng là một khó khăn lớn. Chúng ta sẽ phải tạo nguồn như thế nào khi mà ngân sách còn mỏng, trong khi khu vực hành chính từ trung ương đến cấp xã vẫn phải dùng nguồn từ ngân sách. Riêng các đơn vị sự nghiệp cũng cần tính chuyển dần sang hướng giao quyền tự chủ. Vấn đề này không phải mới, chúng ta đã đặt ra từ năm 1993, nhưng chưa làm được nên giờ phải quyết tâm làm.

Có ý kiến cho rằng hiện nay bức tranh tiền lương của Việt Nam chưa công bằng ngay trong nội bộ và không đảm bảo tính công bằng trong khu vực công – tư. Ông nghĩ sao về điều này?

- Quả là như vậy. Rõ ràng bức tranh tiền lương khu vực công – tư đang có sự chênh lệch rất lớn. Bản thân khu vực sản xuất là khu vực chi phí đầu vào còn khu vực công là khu vực phân phối lại phụ thuộc vào khu vực tư. Nghĩa là khu vực sản xuất quyết định đóng góp cho nguồn ngân sách bao nhiêu, từ nguồn ngân sách đó sẽ quyết định việc chi trả lương cho khu vực công thế nào cho phù hợp. Ở các nước phát triển, doanh nghiệp phát triển rất mạnh, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Khi có ngân sách lớn, họ phân chia rất dễ dàng. Đối với Việt Nam nguồn ngân sách khó khăn vì thế lương thấp, nhiều cán bộ công chức ra trường nhận lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, đời sống rất khó khăn.

Xu hướng chung của thế giới là lương khu vực công – tư phải gần nhau. Thậm chí một số quốc gia phát triển lương khu vực công còn cao hơn khu vực tư để chống tham nhũng. Theo tôi lương của công chức có thể không làm giàu được nhưng phải đủ sống, còn nếu lương không đủ sống đương nhiên sẽ còn tình trạng tham nhũng, sách nhiễu...

Không nên bỏ lương tối thiểu vùng

Ông nói khu vực tư là khu vực dễ thực hiện cải cách, thế nhưng thực tế chính sách tiền lương ở khu vực này vẫn còn nhiều bất cập?

- Tôi không nói là dễ, nhưng rõ ràng khu vực tư vấn đề cải cách tiền lương hoàn toàn có thể làm được. Hiện nay, 98% doanh nghiệp đã  đi theo định hướng thị trường, chỉ còn 2% doanh nghiệp nhà nước là chưa. Khi đã theo định hướng thị trường phải để thị trường điều tiết. Hiện nay Chính phủ cũng đã quy định cụ thể vấn đề tiền lương ở 14 điều trong Luật Lao động, thêm vào đó, Chính phủ cũng đã thực hiện vai trò trọng tài, can thiệp bằng việc ban hành sàn tiền lương tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế. Ngoài ra, Chính phủ còn có thể thực hiện điều tiết thông qua việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân.

Một số ý kiến đề xuất nên bỏ tiền lương tối thiểu vùng, tôi cho rằng điều này là không nên, bởi đây là mức sàn đặt ra để bảo vệ lao động yếu thế, đảm bảo cho tất cả những người lao động có thể sống được. Những việc trên, theo tôi Chính phủ đã làm tốt, nhưng vai trò hỗ trợ thị trường thì vẫn còn yếu. Hỗ trợ thị trường có mấy việc, việc đầu tiên hỗ trợ nâng cao khả năng thương lượng, cho người lao động, tổ chức đại diện người lao động. Thứ hai hỗ trợ là cung cấp thông tin thị trường.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã làm nhưng hiệu quả chưa cao. Người lao động muốn thương lượng lương với chủ lao động cần có thông tin thị trường, phải có kỹ năng. Vấn đề thứ 3 là nghiên cứu toàn bộ thị trường, như tác động của lương, chi phí doanh nghiệp... đến vấn đề phát triển của doanh nghiệp. Quang trọng hơn là cần hướng tới việc thực hiện Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ thương lượng tiền lương thế nào để giải quyết hài hoà quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến cáo, khi cải cách tiền lương Việt Nam nên bỏ hình thức trả lương theo cấp bậc, bằng cấp. Ông có đồng tình với phương án này không?

- Thực ra trong thiết kế thang, bảng lương hiện nay chúng ta cũng không hẳn trả lương theo bằng cấp. Chúng ta vẫn đang thiết kế lương theo vị trí, tức là vị trí đó đòi hỏi bằng cấp nào, hay chuyên môn gì. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chúng ta trả lương theo vị trí cũng không ra vị trí mà bằng cấp thì cũng không ra bằng cấp. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải thiết kế lại lương theo vị trí. 

Việt Nam cần làm gì để cải cách tiền lương hợp lý?

- Theo tôi, Trung ương cần bàn lại bài toán vĩ mô. Nhưng dù làm theo hướng nào cũng phải đảm bảo hai yếu tố là tạo nguồn trả lương và quy hoạch lại đối tượng nhận lương. Hướng tới việc thu hẹp khoảng cách lương ở khu vực công – tư, thậm chí có thể phải làm cho lương khu vực công cao hơn cả khu vực tư như một số quốc gia phát triển.

Thực tế trong nhiều lần cải cách trước đây có ý kiến đã cho rằng, “lương thấp, ăn như thế thì họ chỉ làm thế thôi”. Cũng từng có nhiều ý kiến của các chuyên gia khá mạnh mẽ kiểu nếu ngân sách không đủ chúng ta phải vay để tăng lương, hoặc là cơ cấu lại. Ví dụ như vốn đầu tư dùng nguồn lực thu hút ngoài xã hội còn ngân sách phải sắp xếp lại hệ thống lương để công chức có một mức sống khá hơn để tạo ra năng suất, chất lượng công việc tốt hơn. Đấy cũng là một quan điểm! Thực tế, lúc bàn rất hay nhưng làm thì không làm được, bởi đứng trước bài toán cân đối ngân sách, rất ít Chính phủ dám đi vay để ăn. Vay để làm, làm ra để ăn thì được, chứ vay để ăn rất ít Chính phủ dám làm.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem