Lên xe là cam chịu
Ngày 19.2, từ ngã ba Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định), chúng tôi đón chiếc xe khách biển số Thái Bình, trên thành xe ghi “Chạy suốt Hà Nội-Sài Gòn” để vào Nam. Bình thường, từ Quy Nhơn đi Nha Trang (Khánh Hòa) chỉ 100.000 đồng/người nhưng lần này lơ xe hét 250.000 đồng với giọng đầy bất cần; khách “miễn cãi”, lúp cúp lên xe!
|
Nhồi nhét trên xe, giá vé và giá ăn uống tăng mạnh... là nỗi khổ của nhiều hành khách vào miền Nam những ngày này. |
Cảnh tượng trên xe làm bất kỳ ai mới lên cũng bàng hoàng. Xe loại 52 chỗ ngồi nhưng người ngồi bó gối, xếp lớp tràn kín lối đi, dễ đến 80 người. Xe chạy, hễ thấy bóng CSGT là nhà xe lại yêu cầu khách “ngồi thụt xuống”. Thế nhưng chỗ đâu nữa mà thụt xuống? Trời nóng, không khí trong xe nồng nặc với đủ mùi lưu cữu của chuyến xe đã xuất bến một ngày trời, nhưng hành khách đều phải cắn răng chịu đựng. Phần lớn họ là công nhân và sinh viên. Xe đã chật ních nhưng lơ xe vẫn tiếp tục bắt khách.
Liên tục những cú phanh gấp, đánh lái nhanh lượn vào lề đường để hốt khách, rồi lại vùn vụt lạng lách lao đi. Đến Vạn Ninh (Khánh Hòa), xe tấp vào một quán ăn tuềnh toàng nhưng hàng trăm ghế đều có người ngồi. Quán có niêm yết giá 30.000 đồng/đĩa nhưng khi tính tiền thì khách bị yêu cầu trả 60.000 đồng/đĩa. Anh Hoàng Văn Thành (33 tuổi, quê Quảng Bình, đang làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung, TP.Hồ Chí Minh) nói: “Tui lận túi 3 triệu đồng cho ngày trở lại thành phố, nhưng mới nửa đường đã gần hết. Riêng tiền xe đã hơn 1 triệu đồng. Bữa trước tết về quê còn kinh hơn! Ăn tết quê nhà được nửa tháng, vui lắm, chỉ phải gồng mình chịu đựng trên 2 chuyến xe về - đi”.
Phạt cứ phạt...
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá vé được phép tăng 60% so với ngày thường nhưng hầu hết các hãng xe chất lượng cao đều cho biết vé sau tết từ các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung vào Nam đều đã được đặt kín đến rằm tháng Giêng. Ông Tô Kỳ Hỷ - Giám đốc vận tải Công ty Thuận Thảo (TP.Tuy Hòa) cho biết: Sau tết, mỗi ngày có khoảng 30 xe khách Thuận Thảo xuất bến từ Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Tuy Hòa để chuyên chở khách vào các bến tại TP.Hồ Chí Minh...
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng CSGT Công an Phú Yên cho biết: Từ trước và sau tết, đơn vị đã mở chiến dịch giám sát tốc độ và xử lý xe quá khách. Riêng từ ngày 13.2 (mùng 4 tháng Giêng) đến nay, đơn vị đã xử lý 123 xe khách vi phạm tốc độ và 60 xe chở quá số khách quy định. Xe bị phạt cao nhất là 4,5 triệu đồng, do lỗi chở quá 5 người (theo Nghị định 71, xe chạy tuyến trên 300km thì bị phạt 900.000 đồng/hành khách chở vượt). “Số tiền phạt cứ thế nhân lên nhưng vì nhu cầu khách đi cao, mà sau tết thì chuyến ra “rỗng” nên các chủ xe bất chấp” - một CSGT cho hay.
Hàng quán cũng chặt chém
Ngày 20.2, tại các quán cơm dọc Quốc lộ 1A qua các tỉnh miền Trung, nhiều hành khách than phiền vì bị “bắt” ăn cơm giá “cắt cổ”. Tại quán cơm Ngọc Thu ở địa bàn huyện Thăng Bình, Quảng Nam, hành khách Nguyễn Minh H (45 tuổi, trú Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi từ Vĩnh Phúc vào TP. HCM để đi làm công nhân, mua vé xe có bao ăn luôn. Nhà xe đưa vào quán Ngọc Thu, nói là đĩa cơm nhưng rất ít cơm và thức ăn, tôi và mọi người đều ăn không đủ no, ai cần cơm thêm thì phải bỏ ra 10.000 đồng để mua.
Nhiều mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo, trái cây được bán tại quán cơm rất đắt, có thứ cao gấp đôi ngày thường. Như nước bò húc 18.000 - 20.000 đồng/lon (giá ngày thường 10.000 đồng/lon), kẹo cao su một tép 8.000 đồng (ngày thường 3.000 đồng), nước suối 7.000 đồng/chai (ngày thường 3.000 đồng)”.
Dừng nghỉ ở nhà hàng K (Lệ Thủy, Quảng Bình), sinh viên Ngô Văn Bình đi xe khách chất lượng cao mang biển số 82K - 33... than: Đĩa cơm nguội ngắt, lèo tèo vài miếng thịt và rau mà giá mấy chục nghìn. Phần vệ sinh thực phẩm cũng không được đảm bảo, bởi khách đông, nhà hàng làm không kịp nên nhiều khi rửa và nấu không sạch khiến nhiều người đau bụng”.
Quảng Bình: Phát hiện nhiều xe nhồi người
Trung tá Bùi Quang Thanh - Trưởng phòng CSGT Quảng Bình cho biết, đến cuối ngày 20.2, sau 5 ngày tổng kiểm tra, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý hơn 400 xe khách vi phạm, phần lớn trong số này đều chở quá số người quy định. Cá biệt như hôm 17.2, lực lượng CSGT Công an Quảng Bình đã phát hiện xe khách 38H - 7516 chạy tuyến Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - Huế chỉ được chở 30 khách nhưng đang chở 40 người, và xe cũng không có sổ nhật trình chạy. Trong những ngày này, dọc chiều dài hơn 120km Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Bình, hàng chục “bến cóc” tự mọc lên như nấm sau mưa. Tại các “bến cóc” này, xe khách vô tư dừng đón, chèo kéo, ngã giá... gây mất trật tự, mất an toàn giao thông.
Phan Phương
Hà Tĩnh: Đón trả khách lộn xộn trên quốc lộ
Từ ngày mùng 6 tết đến nay, dọc các tuyến Quốc lộ 1A, 8A, đường mòn Hồ Chí Minh, tại các vùng thị trấn đông dân cư không có biển đậu đón trả khách nhưng các loại phương tiện vận tải hành khách vẫn ngang nhiên đón khách hết sức lộn xộn. Điển hình tại thị xã Hồng Lĩnh có nhiều nhà xe lớn như Hoàng Long, Khánh Ngọc... thường xuyên bán vé, đón trả khách dọc quốc lộ mà không vào bến. Thượng tá Thái Văn Tiến - Phó Trưởng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh cho biết: Theo thống kê trong khoảng 1 tháng từ trước và sau tết, trên địa bàn Hà Tĩnh lực lượng CSGT đã xử lý 6.589 trường hợp vi phạm, trong đó có 1.259 xe ô tô. Trong thời gian trên, ở Hà Tĩnh đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 người và bị thương 33 người.
Hữu Anh
Hùng Phiên- Trương Hồng- Ngô Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.