Khó thở, tức ngực hóa ra răng giả "cắn" vào phế quản

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 18/02/2023 07:24 AM (GMT+7)
Nhập viện vì ho sặc, tức ngực, khó thở, bệnh nhân tá hóa khi các bác sĩ gắp ra từ phế quản 1 chiếc răng giả.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ khoa Hô hấp vừa nội soi can thiệp gắp một chiếc răng giả nằm sâu trong lòng phế quản cho bệnh nhân Vương V.K (56 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh).

Trước nhập viện bệnh nhân bị ho sặc, tức ngực, khó thở. Tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. 

Kết quả chụp CT scanner lồng ngực phát hiện vị trí phế quản phải có hình ảnh dị vật phản quang kích thước 17x12mmm. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa hô hấp và chỉ định can thiệp nội soi phế quản để gắp dị vật.

Khó thở, tức ngực hóa ra răng giả "cắn" vào phế quản - Ảnh 1.

Hình ảnh dị vật nằm trong lòng phế quản trên CTScanner .Ảnh BVCC

Quá trình nội soi lòng phế quản, ekip can thiệp của Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy phát hiện một chiếc răng giả rơi vào gốc phế quản phải, vị trí tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn.

Tuy nhiên với sự hỗ trợ của các trang thiết bị nội soi hiện đại, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật, hút rửa sạch phế quản cho người bệnh. Sau can thiệp 24h, bệnh nhân tỉnh táo, phổi thông khí tốt, sức khỏe ổn định.

Đây không phải ca can thiệp dị vật đường thở đầu tiên tại Bệnh viện Bãi Cháy, trước đó, các bác sĩ đã gắp được nhiều dị vật như mảnh xương, răng giả, hạt hoa quả… rơi vào lòng phế quản, đối tượng thường gặp là trẻ nhỏ, người già.

Khó thở, tức ngực hóa ra răng giả "cắn" vào phế quản - Ảnh 2.

Ekip can thiệp của khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy can thiệp nội soi phế quản gắp dị vật. Ảnh BVCC


Khó thở, tức ngực hóa ra răng giả "cắn" vào phế quản - Ảnh 3.

Hình ảnh chiếc răng được lấy ra từ lòng phế quản. Ảnh BVCC

Bác sĩ Phạm Thị Út Trang, Phụ trách vị trí Phó Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Dị vật đường thở đặc biệt là những dị vật có tính sắc nhọn nếu không được can thiệp, xử trí kịp thời, nằm lâu trong lòng phế quản có thể gây tổn thương thủy phổi dẫn đến tình trạng viêm mủ, nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó là những nguy cơ biến chứng đe dọa sức khỏe, tính mạng như áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, thủng phế quản, tràn khí màng phổi hoặc tắc nghẽn đường thở khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng…".

Bác sĩ Trang khuyến cáo, khi bị hóc dị vật như mảnh xương, hạt hoa quả, thức ăn… người dân không nên cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra ra… 

Những việc làm này sẽ làm cho niêm mạc họng bị trầy xước, chảy máu, dễ nhiễm trùng, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào những vị trí nguy hiểm.

Quá trình ăn uống cần ăn chậm, nhai kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở. 

"Những dấu hiệu của dị vật bị bỏ quên trong đường thở thường không rõ ràng nên khi có các triệu chứng ho, ho lẫn đờm, máu, tức ngực, khó thở… người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời", bác sĩ Trang nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem