Thông tin từ Bộ Công Thương, theo phản ánh của một số nhà phân phối, siêu thị về việc khó tiếp cận nguồn hàng thịt lợn của các nhà sản xuất, trang trại, công ty chăn nuôi, trong đó có Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, mặc dù các nhà sản xuất này còn nguồn hàng.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, nhất là các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tiếp cận trực tiếp nguồn hàng với giá hợp lý.
Nhiều nhà phân phối, đại lý, siêu thị phản ánh khó tiếp cận nguồn hàng của các doanh nghiệp lớn, trong đó có Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Bộ Công Thương cũng đang có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành (Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và lực lượng công an, thú y…) thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.
"Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ”, Bộ Công Thương khẳng định.
Cũng theo Bộ Công Thương, để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.
“Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu…, trong thời gian gần đây có việc một số xe vận chuyển lợn từ nội địa lên phía biên giới nhưng số lượng không nhiều và chỉ đưa vào phục vụ người dân địa phương tại các khu dân cư, không phải đưa qua biên giới vì phía Trung Quốc cũng ngăn chặn lợn đưa sang biên giới do lo ngại dịch tả lợn châu Phi lây lan” - Bộ Công Thương cho hay.
Để bình ổn mặt hàng thịt lợn, Bộ cũng đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.