Khó tinh giản cán bộ cấp xã

Thứ năm, ngày 13/02/2014 13:07 PM (GMT+7)
Bộ Nội vụ vừa công bố và lấy ý kiến nhân dân, các bộ ngành, địa phương dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trong đó có cán bộ cấp xã. Thế nhưng, tại nhiều xã, lãnh đạo vẫn kêu thiếu, kêu khó tinh giản cán bộ...
Bình luận 0
“Không thừa người để tinh giản”

Đó là khẳng định của nhiều lãnh đạo xã. Ông Bùi Quang Minh- Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (Phú Ninh, Quảng Nam) tâm sự: “Chưa tinh giản mà chúng tôi đã làm việc đứt hơi, tinh giản không biết mệt đến mức nào nữa”.

Hàng ngày ngoài giải quyết công việc hành chính, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh Bùi Quang Minh (áo trắng)  còn lên núi rừng truy quét việc khai thác vàng trái phép.
Hàng ngày ngoài giải quyết công việc hành chính, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh Bùi Quang Minh (áo trắng) còn lên núi rừng truy quét việc khai thác vàng trái phép.

Tam Lãnh có 19 biên chế, 2 dự bị (theo NĐ 92), 18 cán bộ bán chuyên trách và 2 hợp đồng, 6 hội đoàn thể. Người thì ít, nhưng công việc thì quá nhiều vì địa hình rộng, cách trở, và đặc biệt là nơi có tình trạng khai thác vàng trái phép nóng bỏng thuộc loại nhất Quảng Nam. “Tình trạng khai thác vàng trái phép dẫn đến an ninh trật tự địa phương phức tạp. Địa phương lại thiếu lực lượng đẩy đuổi, truy quét, nhất là lực lượng công an” – ông Minh nói.

Theo ông Minh, nhiều lúc cán bộ xã làm cả ngày nghỉ (thứ bảy và chủ nhật) cũng không hết công việc. “Có những hôm tôi đang giải quyết công việc hành chính dang dở, nhận được thông tin có người khai thác vàng trái phép trên núi cao, rừng sâu, chúng tôi lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ đẩy đuổi, truy quét. Đi truy quét lại nôn nóng quay về giải quyết công việc hành chính địa phương. Ở đâu, cán bộ thừa chứ ở đây mà tinh giản thì khó hoàn thành nhiệm vụ trên giao” – ông Minh khẳng định.

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ chủ trì, sẽ có 5 đối tượng nằm trong diện xét tinh giản biên chế từ nay tới năm 2020, trong đó có đối tượng là “cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác”. Từ nay đến 2020, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Ông Phạm Tuấn Thành – Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cũng có tâm tư như vậy: “Xã thuộc diện bãi ngang, địa bàn quản lý rộng, điều kiện đi lại hết sức khó khăn… Hiện tại với khoảng hơn 40 biên chế, 6 người thuộc diện hợp đồng vẫn chưa thể “gồng gánh” được khối lượng công việc của địa phương”.

Là huyện ven biển, ông Bùi Minh Túy – Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, huyện có 106 biên chế hành chính gồm 13 ban ngành trực thuộc UBND huyện quản lý. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, số lượng cán bộ, công chức khá đông trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực giáo dục (hơn 1.300 người) và y tế. “Hiện nay 13 phòng ban vẫn còn thiếu khoảng 10 biên chế” – ông Túy nói. Cũng theo ông Túy, việc tinh giản biên chế không thể áp dụng ở cấp xã, huyện vì thực tế số lượng công việc ở cơ sở rất lớn.

Ông Trần Hoàng Trung – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thì cho rằng: “Số lượng công việc quá nhiều, một biên chế phụ trách một bộ phận và phải kiêm các công việc khác. Đặc biệt là ở bộ phận một cửa chỉ có một đến hai cán bộ đảm trách. Do đó nếu giảm thì công việc sẽ không có người để xử lý”.

Người làm không hết việc, kẻ ngồi chơi xơi nước

Bên cạnh các xã “kêu” thiếu người thì không ít xã thừa nhận “có người ngồi chơi” và hiến kế để tinh giản. Ông Lê Đức Thiện – Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi, thừa nhận: “Đội ngũ cán bộ xã hiện đang thừa và yếu. Nhiều cán bộ không được đào tạo bài bản nên khi giải quyết công việc gặp nhiều khó khăn. Khối lượng công việc cấp xã tuy nhiều, nhưng nếu nâng cao trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm thì dù có giảm số lượng cán bộ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trên thực tế, một số cán bộ ở cấp xã khá nhàn rỗi. Tình trạng người làm không hết việc, kẻ ngồi chơi xơi nước diễn ra tại nhiều trụ sở xã. Nhiều người dân phàn nàn “tìm mỏi mắt vẫn không thấy cán bộ xã”. Bên cạnh một số người nhiệt tình với công việc vẫn còn nhiều cán bộ làm theo kiểu “đủ mức phụ cấp được nhận”. Dù được cử đi đào tạo, nhưng nhiều cán bộ xã mang tâm lý “miễn sao lấy được tấm bằng để sắp xếp mức lương và chức danh phù hợp”. Ông Lê Đức Thiện nói thêm: “Việc tinh giản cán bộ là cần thiết nhằm giảm “độ phình” cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Nhất là cấp phó các đoàn thể. Có thể chuyển phụ cấp của cán bộ bán chuyên trách cho công chức để tăng thu nhập, giúp họ an tâm công tác…”

Theo Bộ Nội vụ, hiện có khoảng 257.000 biên chế cấp xã. Nhưng đây chỉ là biên chế cán bộ chuyên trách. Ngoài ra, xã phường nào cũng có cán bộ hoạt động bán chuyên trách với 18 chức danh. Tổng số cán bộ bán chuyên trách bằng, hoặc thậm chí nhiều hơn cán bộ chuyên trách.

Còn ông Hoàng Trọng Biên- Bí thư Đảng ủy phường Quyết Thắng (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) ủng hộ đề xuất tinh giản cán bộ lớn tuổi. “Với cán bộ sắp đến tuổi nên có chính sách hỗ trợ để họ nghỉ sớm vì có ở lại cũng rất khó bố trí cán bộ, gây khó khăn cho cơ sở. Đối với lực lượng trong biên chế hiện nay cũng có thể giảm biên được 1 số người bằng giải pháp kiêm nhiệm. Việc giảm biên nên tập trung vào lực lượng bán chuyên trách vì họ chỉ nhận khoản phụ cấp rất thấp (0,7-0,8% hệ số lương) nên họ làm việc cũng không hiệu quả”.

Cũng theo ông Biên, nếu giảm biên theo hướng kiêm nhiệm thì nên tăng phụ cấp đó cho người kiêm nhiệm.

Đồng quan điểm, ông Lường Văn Hịa- Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết, cán bộ xã vùng cao rất vất vả. Có những bản xa trung tâm xã, việc giải quyết chỉ cần nửa giờ đồng hồ nhưng thời gian đi lại đã mất tới cả buổi, cả ngày. Gánh nặng công việc của công chức xã ngày càng nặng thêm nếu như không có sự thay đổi về chất lượng công chức. “Tại xã tôi cũng có một bộ phận cán bộ đảm đương nhiệm vụ ở mức thấp nhưng xã không thể thay thế được. Hiện chúng tôi vẫn nhận cán bộ do huyện tuyển dụng nên nhiều khi rơi vào tình trạng: Người thì thừa, việc vẫn không xong. Nhà nước nên giao việc tuyển dụng công chức cấp xã cho chính cấp xã”- ông nói.

Ông Phan Tuấn Khải - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu): “Thông tin tinh giản biên chế đã khiến cho nhiều người lo lắng vì ngoài công việc chung còn ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của từng người”.


Ông Đỗ Tấn Lợi - Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, TP.Cà Mau: “Việc tinh giản nhất thiết phải được triển khai theo từng bước, từng giai đoạn nhằm có thời gian để cấp cơ sở sắp xếp công việc cho hợp lý”.
Hoàng Hạnh (ghi)

Trả lời báo chí ngày 12.2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Tuấn Anh khẳng định: “Con số 100.000 cán bộ công chức phải tinh giản chỉ là tính toán ban đầu của dự thảo lần 1, không phải là mục tiêu. Vì thế chúng ta không nên quan tâm nhiều. Lần này, không nên quan trọng hóa sẽ giảm được bao nhiêu. Càng không nên đặt ra mục tiêu con số cụ thể một cách duy ý chí, rồi không thực hiện được.


Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện thật tốt để đưa được những người không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, người không có khả năng đáp ứng yêu cầu công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm... ra khỏi công vụ. Đồng thời phải có giải pháp thu hút, tuyển dụng được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
H.P


Đức Cường - Trương Hồng - Kiều Thiện - Hoàng Hạnh (Đức Cường - Trương Hồng - Kiều Thiện - Hoàng Hạnh )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem