Khổ vì “xã hội hóa giáo dục”

Thứ tư, ngày 19/12/2012 07:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tăng học phí, bổ sung phụ phí bất thường, học sinh nghèo ở nông thôn khó tiếp cận các dịch vụ phúc lợi giáo dục... là những mặt trái khi xã hội hoá giáo dục biến tướng.
Bình luận 0

Chi học thêm gấp 10 - 20 lần học phí

Đó là số liệu mà TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội dẫn từ khảo sát gần đây của Công ty Tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức thực hiện dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ ở 3 lĩnh vực giáo dục có thể xã hội hoá: Tuyển sinh đầu cấp, các khoản thu phí và dạy thêm, học thêm. Theo đó, mức tiền chi cho việc học thêm hàng tháng của mỗi học sinh trung bình là 470.000 đồng/tháng, trong khi học phí khối THCS, THPT chỉ ở mức 20.000-40.000 đồng/tháng, nghĩa là tiền học thêm đang cao gấp 10 -20 lần học phí.

img
Nhiều phụ huynh học sinh đang phải đóng góp nhiều khoản phí dưới danh nghĩa “tự nguyện” (ảnh minh họa).

Việc học thêm xuất hiện ở hầu hết các trường. Trong đó, do nhà trường tổ chức chiếm 40%, do thầy cô dạy thêm riêng 49%. Ngoài ra, số học sinh phải đóng tiền học trái tuyến cũng khá lớn với mức chung là 20%. Ngoài ra, hầu hết nhà trường, phụ huynh được khảo sát đều thừa nhận học sinh phải đóng góp nhiều khoản phí khác nhau dưới danh nghĩa “tự nguyện – xã hội hoá”.

TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định: “Xã hội hoá là sự chuyển hướng phát triển quan trọng của giáo dục từ chỗ chỉ dựa vào Nhà nước bao cấp hoàn toàn sang việc huy động nguồn lực trong dân để “cởi trói” cho giáo dục. Nhưng quá trình huy động này đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, được gọi là “tham nhũng trong giáo dục”.

GS-TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thừa nhận: “Nhiều người đang cố tình hiểu nhầm bản chất của xã hội hoá giáo dục. Theo họ, xã hội hoá giáo dục chỉ là phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập có thể tự chủ tài chính và dân phải góp các khoản tiền để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất”.

Người nghèo khó tiếp cận xã hội hoá

Nghiên cứu của TS Dương Việt Anh (Trung tâm Hội nhập và phát triển) về “sự tiếp cận các dịch vụ giáo dục của người nghèo ở nông thôn trong bối cảnh xã hội hoá” cho thấy: Gần 95% số học sinh đang theo học tại các trường dân lập ở nông thôn là con em nông dân, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Giải thích cho hiện tượng này, TS Anh cho biết : “Con em các gia đình khá giả ở nông thôn thường có điều kiện học tập tốt và dễ thi vào trường công hoặc cha mẹ “có cách” để các em được vào trường công lập. Chỉ có con em nhà nghèo, học kém mới vào trường dân lập”.

Khi đó, các em không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho người nghèo như miễn giảm học phí, miễn phí xây trường, cấp sách giáo khoa, cấp kinh phí ăn ở… những thứ mà chỉ ở trường công lập mới có.

Theo GS-TS Phạm Tất Dong, chính việc hiểu sai bản chất dẫn đến xã hội hoá bị lợi dụng: “Nhiều nơi kêu gọi phụ huynh “xã hội hoá” từ tiền tưới cây, thuê bảo vệ, quét rác, xây bể bơi, mua điều hoà đến… cái chổi quét lớp. Nguyên tắc tự nguyện bị lấp liếm dưới vỏ bọc hội phụ huynh, như thế là trái luật. Xã hội hoá không chỉ là thu tiền”.

Nghiên cứu của TS Anh cũng chỉ rõ, khoản chi cho giáo dục của mỗi gia đình nghèo hiện đã chiếm hơn 30% thu nhập, điều này hạn chế các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

PGS-TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: “Cần xây dựng một cơ chế bảo đảm cho học sinh nghèo có thể tiếp cận với dịch vụ giáo dục tốt nhất ở mọi hoàn cảnh, cả khi các em học dân lập”.

Một trong những giải pháp được ông đưa ra là xây dựng Quỹ Phát triển giáo dục; ban hành các sắc thuế đặc biệt đánh vào các loại hàng xa xỉ như thuốc lá, rượu, các cửa hàng sang trọng, dịch vụ cao cấp… Tiền thuế này sẽ được chuyển về Quỹ Phát triển giáo dục nhằm đầu tư mạnh hơn và có chiều sâu hơn cho hệ thống giáo dục bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem