Phải gánh khi sự đã rồi
Tại Đăk Lăk, hiện có tới gần 29 vạn dân DCTD nằm ngoài quy hoạch. Theo tính toán sẽ cần vài trăm tỷ đồng mới có thể sắp xếp ổn định cho số dân trên. Nhưng nan giải hơn, không chỉ quá tải về tài chính mà ở một số “điểm nóng” như Krông Bông, Ea Súp, M’Drăk, Krông Năng… một khó khăn rất khó giải quyết đó là quỹ đất để quy hoạch cho dân ở và canh tác.
Khi nào dân DCTD chưa được sắp xếp ổn định thì tài nguyên rừng vẫn bị de dọa.
Ông Huỳnh Bài - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: Địa phương còn hơn 120 hộ dân DCTD định cư bất hợp pháp trong các vùng cấm nhưng chưa biết phải di dời về đâu. Việc mở ra một dự án mới để ổn định dân DCTD đối với huyện là gần như không thể vì thiếu quỹ đất…
Ở Cư Kbang, huyện Ea Súp, trừ một vài hộ dân buôn bán, dân trong xã đều là người DCTD. Kể từ khi được quy hoạch đến nay, xã này cứ ngày một “phình to” dân số cơ học mà không có cách nào xử lý dứt điểm được. Hiện vẫn còn đến hơn 1.800 người chưa được sắp xếp… Và khi chưa quy hoạch ổn định cho dân DCTD thì các địa phương sẽ phải xử lý những vấn đề “đau đầu” khác do đó mà ra: Tình trạng đảo lộn về quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động; những khó khăn trong việc quản lý hành chính của cả nơi đi và nơi đến; công tác an ninh, trật tự và đặc biệt là áp lực trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên rừng...
Trong khi đó, theo tính toán của các ngành chức năng, giai đoạn 2015-2020, Đăk Lăk cần ít nhất 2.000 tỷ đồng nữa mới mong “vãn hồi” được “vấn nạn” DCTD.
Phải có giải pháp đồng bộ
"Việc quan tâm và chăm lo cho đồng bào DCTD đến Tây Nguyên chính là một trong những giải pháp tạo thêm động lực cho vùng đất giàu tiềm năng này phát triển”. (Ông Trần Việt Hùng - Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên)
|
Mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc phối hợp giải quyết vấn đề dân DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên. Ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Trong văn bản, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã có những đề xuất cụ thể như vốn để mở các dự án quy hoạch, sắp xếp số DCTD còn lại; yêu cầu chính quyền các địa phương (bao gồm nơi đi và nơi đến) tăng cường mạnh mẽ và thường xuyên việc phối hợp giải quyết đồng bộ “vấn nạn” DCTD.
Trong đó việc cấp bách nhất là các tỉnh trong khu vực phải nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xin phép Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng, quy hoạch dự án mới cho dân DCTD. Các tỉnh Tây Nguyên (nơi dân đến) tiếp tục có kế hoạch rà soát, quản lý và lập dự án đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết về kinh phí, cơ chế và nhất là chính sách đất đai để đến sau năm 2015 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này.
Ông Hùng cho biết thêm: Việc giải quyết “vấn nạn” dân DCTD là một trong 12 nhiệm vụ công tác trọng tâm (giai đoạn 2014-2015) của Ban chỉ đạo Tây Nguyên. Cụ thể: Ban đã có kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cùng Chính phủ thống nhất ban hành quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, ổn định đời sống cho đồng bào ở nơi mới... Theo đó, tập trung xây dựng hệ thống chính trị, tạo nguồn cán bộ trong vùng DCTD để hướng đến việc phát triển lâu dài, bền vững sau này khi hình thành các khu dân cư mới, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Tiến Thịnh (Tiến Thịnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.