"Tuy nhiên, về lâu dài không nên đánh thuế những người có thu nhập ở bậc 1 nữa, vì họ là những người có thu nhập chưa đủ để sống ổn định”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo NTNN ngày 25.6.
Trước đó, Quốc hội đã đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1.7.2012 đến hết ngày 31.12.2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu, chiếm hơn 70% số người nộp thuế hiện nay).
|
Được miễn giảm thuế sẽ giúp người dân có điều kiện cải thiện đời sống. Ảnh: Làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. |
Việc miễn thuế thu nhập cá nhân từng được áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2009 để đối phó với những khó khăn của suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, quy mô đợt miễn giảm lớn hơn so với hiện nay (thực hiện đối với tất cả các bậc thuế). Vậy ông có kỳ vọng gì về đợt giảm thuế lần này?
- Với đợt miễn giảm thuế lần này, tuy không quy mô bằng năm 2009, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng sẽ có hiệu quả vì nó nhằm mục đích khoan sức dân, nhưng vẫn bảo đảm nguồn thu và có tính đến tình hình lạm phát trong thời gian qua.
Và đặc biệt là tình trạng sức mua của người dân trong thời gian qua đã suy giảm lớn. Tôi hy vọng quyết định này của Quốc hội sẽ mở đường cho những quyết sách tiếp theo về Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tôi nghĩ đây là điều đáng ghi nhận và ý nghĩa cao hơn đó là sự chủ động của Quốc hội, quyết định dựa trên quan điểm của mình chứ không phải dựa trên tờ trình của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Việc quyết định miễn thuế thu nhập cá nhân với 1 trong 3 lý do là để kích thích tiêu dùng. Theo đánh giá của cá nhân ông liệu mục đích này có đạt được hay không?
- Tôi cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi vì người dân được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, có nghĩa họ được giữ lại tiền để chi tiêu. Như vậy chắc chắn họ sẽ chi tiêu vào các nhu cầu cần thiết, ví dụ chi tiêu vào mua lương thực, thực phẩm, cho con cái đi học và thậm chí cho phép gia đình đi nghỉ… Có nghĩa là họ sẽ thực hiện những điều mà trước đó chưa cho phép họ làm được.
Cơ quan quản lý nhận định, việc miễn thuế cho đối tượng này chỉ làm giảm thu ngân sách khoảng 1.900 – 2.000 tỷ đồng, không tác động lớn đến cân đối chi tiêu ngân sách. Vậy, việc miễn giảm có mang tính hình thức?
- Tôi không cho rằng miễn giảm như vậy là mang tính hình thức. Vì những người có thu nhập thấp ở bậc 1 đã được miễn giảm hầu hết là những người thu nhập thấp, không nên đánh thuế người ta nữa. Ngoài số tiền thuế không phải nộp, còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội với những công chức, người thu nhập thấp...
“Với đợt miễn giảm thuế lần này, tuy không quy mô bằng năm 2009, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng sẽ có hiệu quả vì nó nhằm mục đích khoan sức dân, nhưng vẫn bảo đảm nguồn thu và có tính đến tình hình lạm phát trong thời gian qua.. .”
Chuyên gia Lê Đăng Doanh
Theo ông có nên mở rộng thêm bậc được miễn thuế như năm 2009 hay không, bởi theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì khó khăn của cá nhân và doanh nghiệp trong năm 2012 này vượt xa những năm trước đó?
- Không phủ nhận nền kinh tế khó khăn khiến người lao động của doanh nghiệp đều khó khăn. Nhưng có một thực tế là ngân sách cũng rất khó khăn. Tôi cho rằng, đi đến quyết định này, Quốc hội đã có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng rồi để hài hòa giữa quyền lợi và ngân sách.
Nhiều ý kiến cho rằng nên để trên mức 10 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế thu nhập thay vì để 5 triệu đồng?
- Mức đề xuất này theo tôi được biết là cũng đã có tính toán cụ thể vì thời gian qua lạm phát đã lên tới hơn 30%. Sau khi tính toán thấy rằng mức dưới 9 triệu không phải đóng thuế là hợp lý. Nếu được nâng lên mức 10 triệu như mong muốn của nhiều người là quá tốt. Nhưng chỉ sợ khi đó ngân sách không chịu được, phải tùy tình hình mà cân nhắc!
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.