Khóc cười với sắn

Thứ ba, ngày 28/09/2010 15:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vừa tổ chức hội nghị hợp tác phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học của họ ở Bình Phước, Quảng Ngãi và Phú Thọ.
Bình luận 0

Quan ngại lớn nhất của các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hiện nay là khi giá sắn “vượt ngưỡng cho phép”. Các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học luôn mong giá sắn “càng rẻ càng tốt”! Ngược lại, người trồng sắn, mà đa phần là nông dân thì mong ngược lại. Vì vậy, việc “mừng” hay “lo” trước giá sắn biến động luôn luôn gắn với từng cung bậc của mỗi “nhà”.

Sau nhiều năm củ sắn thối đầy đồng vào mỗi mùa mưa lũ ở miền Trung, nông dân phải thu hoạch sắn tươi để tránh bị ngập nước gây hư hại, các nhà máy chế biến tinh bột sắn nhân đó ép giá nghẹt thở nông dân, năm nay, đến thời điểm này, các trận lũ lớn hầu như chưa lộ diện nên người trồng sắn không còn mối bận tâm cho việc sắn thối nữa, đã vậy, giá sắn tươi vọt từ 500 đồng/kg lên 2.200 đồng/kg khiến nông dân thì mở cờ trong bụng còn các nhà máy chế biến tinh bột sắn thì kém vui.

Đặc biệt, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thì… kêu như cuốc kêu tháng Sáu! Ông Đặng Đình Đăng - Trưởng phòng nguyên liệu, Nhà máy Nhiên liệu sinh học dầu khí Phú Thọ lo lắng: “Sản xuất nhiên liệu sinh học chỉ có lãi một khi giá sắn dừng dưới mức dưới 4.000 đồng/kg sắn khô. Với giá sắn hiện tại, 2.000 -2.200 đồng/kg sắn tươi (2,5kg sắn tươi mới được 1kg sắn khô) thì lỗ nặng. Vì vậy, bài toán đặt ra hiện nay là tìm giải pháp để chủ động về giá sắn của từng nhà máy thì mới mong có lãi”.

Sẽ rất khó để “chủ động” một khi sắn hoàn toàn khác với xăng dầu- mặt hàng mà Petro Vietnam đang độc quyền, là loại lương thực này không chỉ cung cấp duy nhất cho các nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học mà đầu ra của nó còn có rất nhiều cửa, nhất là Trung Quốc luôn luôn mở rộng cửa để hút cả sắn lát phơi khô lẫn sắn đã qua chế biến thành tinh bột.

Vậy là, nông dân mùa sắn này đã có thể mở cờ trong bụng trước giá sắn tăng phi mã, song điều đó cũng đặt ra một mối lo khác - nếu không nói là mối nguy hại. Đó là nông dân sẽ phát triển diện tích sắn một cách ồ ạt, thậm chí có địa phương đã phá cả rừng tự nhiên để trồng sắn!

Diện tích sắn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên vụ này lên đến 181.000ha nhưng chỉ có 24.000ha là trong quy hoạch, còn lại là tự phát! Ở khía cạnh “phá rừng để trồng sắn” đã là mối lo hiện hữu, còn một khía cạnh khác, đó là sự phá vỡ sự cân bằng giữa các loại cây trồng, nhất là sẽ làm bạc màu đất rất nhanh nếu như năm nào cũng trồng cây sắn trên cùng một diện tích đất.
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem