NSƯT Chánh Tín từng tiết lộ lý do khiến ông rơi vào cảnh nợ nần cũng vì
bản quyền bộ phim “Dòng máu anh hùng” bị xâm phạm trắng trợn
Vô tư “xà xẻo” phim của người khác
Bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” được đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc thực hiện năm 1990. Để có được những thước phim quý giá này, ông đã cất công lục lọi và tìm ra những thước phim được lưu trữ từ cách đó 40 năm, chưa từng được sử dụng của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn. Những thước phim bình dị từng nằm im lìm trong kho lưu trữ suốt một thời gian dài đã gây xúc động cho hàng triệu người xem.
Cho tới nay, đây vẫn là một trong những bộ phim tài liệu về Bác được người xem mọi thế hệ yêu quý nhất. Và điều quan trọng là ngay từ ngày đó, dòng chữ “trong phim có sử dụng phim của Nguyễn Thế Đoàn” đã được ghi chú rất cẩn thận và trang trọng dù chẳng ai yêu cầu ông phải làm việc ấy.
Tuy nhiên, nhiều khi bật tivi để xem các thế hệ bây giờ làm phim thế nào, không ít lần NSND Bùi Đình Hạc giật mình và chạnh lòng vì thấy người ta thản nhiên “xà xẻo” phim của ông để ghép vào phim của họ mà không cần hỏi ý kiến ông hay đề chú thích kèm theo. Cũng vì bức xúc mà nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã phải thốt lên: “Nhiều người phải rất công phu để làm ra một bộ phim danh tiếng, thế nhưng chỉ vì lười, mỗi người lại xẻo một miếng rồi lắp vào phim của mình thì thật không thể chấp nhận được!”.
“Đừng đốt” - bộ phim do Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất cũng không bảo vệ được bản quyền
Lấy quyền gì để bảo vệ phim của mình!
Một vị đạo diễn có tiếng trong giới điện ảnh tâm sự, nhiều năm trước anh từng ra ngoài “chợ đen” tìm mua đĩa DVD bộ phim truyện nhựa mà mình thực hiện, sau đó thì mua được cả đĩa lậu bộ phim truyền hình cũng do anh làm và đang phát sóng trên truyền hình. Anh cũng nhận ra phim truyền hình của mình vừa phát sóng vài giờ đã xuất hiện trên mạng Internet nhưng cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì lấy quyền gì để bảo vệ phim của mình khi sở hữu bản quyền thuộc về nhà sản xuất, trong khi nhà sản xuất hầu như chẳng đứng ra bảo vệ để làm gì khi chế tài xử phạt chỉ vài trăm nghìn đồng.
Chuyện “ăn trộm” bản quyền ở lĩnh vực phim ảnh lâu nay vẫn diễn ra song người trong cuộc chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Như trường hợp phim “Bụi đời Chợ Lớn” sau khi không được Hội đồng duyệt phim quốc gia cấp phép chiếu rạp thì bản nháp định dạng HD của bộ phim này bỗng dưng phát tán tràn lan trên các trang mạng chuyên về phim trực tuyến. Nhắc lại việc này, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết khi đó ông hoàn toàn bị “sốc” bởi cả đoàn phim đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để có bản phim hoàn chỉnh, song rốt cuộc lại phải ngồi nhìn mọi người xem một bản nháp và đánh giá về bản phim nháp đó. Thế nhưng sau cùng thì kẻ gây ra việc này chỉ bị xử lý hành chính là xong chuyện.
Phim tư nhân thì thế, còn những phim do Nhà nước đầu tư sản xuất cũng không tránh được việc bị “ăn cắp” bản quyền nhưng tổn thất thì xem chừng có vẻ nhẹ hơn. Bởi nói như lời một nhà sản xuất từng đứng ra làm phim do Nhà nước đầu tư thì phim làm xong ai giữ cũng được, ai dùng cũng xong, nếu gửi trả Cục Điện ảnh thì Cục cũng chẳng biết quản lý kiểu gì.
(Theo An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.