Sắp khởi công các dự án đầu tư trong Khu đô thị ĐHQG TP.HCM

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 22/12/2022 17:46 PM (GMT+7)
Năm 2023, ĐHQG TP.HCM sẽ khởi công các dự án đầu tư trong Khu đô thị ĐHQG TP.HCM như công trình học tập, thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật... trong đó có trung tâm nghiên cứu tiên tiến, các khối nhà Khoa Y - Trường ĐH Sức khỏe.
Bình luận 0

Chiều 22/12, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức Hội nghị thường niên năm 2022. Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, với khát vọng vươn tầm quốc tế và quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển ĐHQG TP.HCM trở thành một hệ thống đại học "chất lượng cao", trong nhóm đầu châu Á và thế giới, năm 2022, ĐHQG TP.HCM đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị theo hướng tự chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và hội nhập sâu rộng với nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.

Trong suốt một năm không ngừng nỗ lực, ĐHQG TP.HCM đã từng bước ghi tên mình đậm nét trên bản đồ giáo dục của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Năm 2022 - năm rực rỡ của ĐHQG TP.HCM

PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ, những dấu ấn nổi bật trong năm 2022 đã khẳng định vị thế trong nước và quốc tế của ĐHQG TP.HCM có thể kể đến như ĐHQG TP.HCM đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy TP.HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức 2 hội thảo khoa học quốc gia về chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tích cực tham gia đóng góp cho các dự án luật trình tại các kỳ họp Quốc hội; ký thỏa thuận hợp tác với nhiều trường đại học lớn, uy tín của châu Âu, châu Úc, châu Mỹ...

Khởi công các dự án đầu tư trong Khu đô thị ĐHQG TP.HCM trong năm 2023 - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM tại Hội nghị thường niên năm 2022. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đặc biệt, ĐHQG TP.HCM chủ động tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học: tiên phong đổi mới tuyển sinh đại học bằng kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển theo tổ hợp nhiều tiêu chí; đa dạng hóa loại hình và phương pháp đào tạo, nhất là các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến; tăng cường các hoạt động ngoại khóa (văn hoá, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao); đẩy mạnh triển khai kiểm định theo nhiều bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Đến nay, ĐHQG TP.HCM đang dẫn đầu cả nước với 110 chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế; giữ vững top 801-1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World), đạt vị trí 167 các trường đại học xuất sắc châu Á (QS Asia). Đặc biệt ngành Kỹ thuật Dầu khí không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn đạt top 51-100 thế giới (QS Subject).

Khởi công các dự án đầu tư trong Khu đô thị ĐHQG TP.HCM trong năm 2023 - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị thường niên ĐHQG TP.HCM năm 2022. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ngoài ra, tính đến tháng12/2022, ĐHQG TP.HCM có 1.913 bài báo được đăng trên các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế, là đơn vị có số bài báo công bố dẫn đầu cả nước trong danh mục này. Trong năm 2022, ĐHQG TP.HCM cũng được cấp 2 bằng sáng chế tại Mỹ. Nhiều thầy cô giáo và sinh viên ĐHQG TP.HCM đã đạt được các giải thưởng danh giá trong hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Trở thành nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á

Trong năm 2023, ĐHQG TP.HCM xây dựng kế hoạch hoạt động theo các nhóm chiến lược. Đầu tiên là xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á". Đồng thời, tiếp tục đổi mới cấu trúc quản trị ĐHQG TP.HCM theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Từng bước hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, chú trọng công tác giải trình với các bên liên quan, nâng cao hiệu lực của các hội đồng trường.

Khởi công các dự án đầu tư trong Khu đô thị ĐHQG TP.HCM trong năm 2023 - Ảnh 3.

ĐHQG TP.HCM đặt mục tiêu trở thành nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Về đào tạo, ĐHQG TP.HCM thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể là phát triển hệ thống học liệu số dùng chung trong giảng dạy và học tập; Xây dựng và triển khai các khóa học trực tuyến trên nền tảng MOOCs; Triển khai toàn diện, đồng bộ hệ thống quản lý đào tạo LMS (Moodle).

Về khoa học và công nghệ, ĐHQG TP.HCM sẽ thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó, xây dựng và vận hành hệ thống đăng ký, quản lý đề tài, dữ liệu về khoa học công nghệ; Tiếp tục thực hiện chiến lược nâng cao số lượng công bổ quốc tế trong danh mục Scopus, chú trọng hợp tác quốc tế trong công bố; Triển khai hiệu quả các dự án quốc tế, các chương trình, đề án nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia, các chương trình hợp tác với TP.HCM, tỉnh Bình Dương và các địa phương đã ký kết.

Đối với việc hợp tác và phát triển hội nhập, năm 2023, ĐHQG TP.HCM phát triển ý tưởng các dự án mới như "Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á - Chương trình lãnh đạo Mekong" và dự án "Thành lập Khoa Việt Nam học tại Trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh"; Triển khai dự án "Hợp tác đổi mới giáo dục đại học", dự án "Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQG TP.HCM".

Ngoài ra, ĐHQG TP.HCM sẽ thực hiện xây các dựng Khu đô thị, gồm triển khai dự án Phát triển các Đại học quốc gia - Tiểu dự án ĐHQG TP.HCM do Ngân hàng thế giới tài trợ; khởi công một số công trình mới tại Khu đô thị ĐHQG TP.HCM để phục vụ sinh viên và hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch ĐHQG TP.HCM.

ĐHQG TP.HCM cũng sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực tài chính đại học; hoàn thành quy chế tài chính, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của ĐHQG TP.HCM và thực hiện việc thành lập doanh nghiệp trực thuộc ĐHQG TP.HCM trong năm 2023.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem