Khơi dậy khát vọng phát triển: Nông dân có vai trò thế nào?
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước: Nông dân, nông thôn có vai trò thế nào?
Lương Kết (thực hiện)
Thứ tư, ngày 05/05/2021 15:28 PM (GMT+7)
“Trong khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, vai trò của nông dân, nông nghiệp và nông thôn không những không giảm đi so với thời kỳ các cuộc cách mạng trước mà còn phải được nâng lên, phát huy sâu sắc hơn, toàn diện hơn”, TS Nguyễn Viết Chức nói.
Liên quan tới vấn đề triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong thời kỳ mới, PV NTNN/Dân Việt có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (hiện ông là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam).
Trong chủ đề Đại hội XIII cũng như Nghị quyết của Đại hội đã nhấn mạnh "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước" và các mục tiêu cụ thể, theo ông, nông dân, nông thôn được nhìn nhận thế nào khi thực hiện chủ trương này?
- Trước hết, có thể nói trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, điều đổi thay nhìn thấy rõ nhất không phải chỉ ở đô thị, đô thị ai cũng nhìn thấy sự thay đổi nhưng rõ nét nhất trong sự thay đổi đó chính là bộ mặt nông thôn. Nông thôn ngày nay khác xa so với ngày trước, đời sống bà con nông dân rất khác, cơm ăn, áo mặc rất khác, tư duy của nông dân cũng rất khác. Có thể nói nông thôn đã đổi đời theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tất nhiên vẫn còn có những điều khiếm khuyết nhưng bao trùm đó là sự đổi thay, đặc biệt sau khi chúng ta phát động và triển khai cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới, thành quả mang lại có thể thấy rõ nông thôn chúng ta mới thật.
Có lẽ đó chính là nền tảng để Đảng và Nhà nước và toàn dân ta đặt ra một khát vọng lớn lao cho một thời kỳ phát triển mới. Đó là khát vọng vươn lên, nâng tầm của đất nước của dân tộc. Cụ thể: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là khát vọng rất lớn lao nó có cơ sở thực tiễn nhưng phải nói để đạt được cũng rất gian lao, khó khăn, thử thách. Nếu nói chiều dài lịch sử trong khoảng 100 năm, có lẽ đây cũng là một lần cách mạng. Cách mạng giải phóng dân tộc thoát ra khỏi cảnh nô lệ, lầm than, đấy là cuộc cách mạng rất lớn, rất gian khổ, hy sinh. Nhờ có khát vọng của dân tộc, sự đoàn kết toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã thành công.
Dân tộc ta đã làm nên nhiều điều thần kỳ, cách mạng Tháng Tám là điều thần kỳ. Đến nay chúng ta đặt ra cuộc cách mạng mới, có mốc thời gian, có mục tiêu rõ rệt. Tôi nghĩ thực hiện được cuộc cách mạng này cũng sẽ là thần kỳ.
Ông nhìn nhận thế nào về cơ sở để chúng ta có thể đạt được mục tiêu đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới?
- Như tôi đã nói, để đạt được mục tiêu còn khó khăn vô cùng nhưng tôi tin vì chúng ta có một nền tảng từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
Có thể thấy, cả thế giới thừa nhận chúng ta là một quốc gia ổn định, nhiều nhà đầu tư kinh tế tìm đến. Chúng ta có một nền chính trị ổn định trong rất nhiều năm mà ổn định thực sự bởi vì có sự đoàn kết, nhất trí.
Đoàn kết phải hiểu không có nghĩa tất cả là một chiều, không phải vậy, rất nhiều chiều nhưng chúng ta vẫn đoàn kết. Nếu không có sự đoàn kết thì làm sao đại dịch Covid-19 như vừa qua chúng ta vượt qua được. Lúc đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi toàn dân nhưng toàn dân phải hưởng ứng mới chống dịch thành công. Thủ tướng Chính phủ lúc đó nói "chống dịch như chống giặc", nhưng phải toàn dân vào cuộc thì dịch mới được đẩy lùi. Chính vì toàn dân vào cuộc nên mới thắng lợi, nếu hệ thống chính trị không vào cuộc, lãnh đạo người thế này, người thế kia, còn dân mỗi người mỗi ý thì làm sao thắng lợi được. Đến nay thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch, còn chúng ta đã thành công nhưng không thể chủ quan.
Đoàn kết để vượt qua đại dịch, xét ở góc độ văn hóa đó là chúng ta đã kế tục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Kết quả của việc chống dịch là ví dụ điển hình để chứng minh dân tộc ta có thể vươn tới những mục tiêu lớn lao khác.
Trong lịch sử bao nhiêu lần giặc ngoại xâm mạnh hơn ta gấp nhiều lần nhưng chúng ta đều giành thắng lợi, đó là nhờ "hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, trên dưới một lòng phụ tử". Ở đây dân với Đảng phải đoàn kết, gắn bó với nhau. Đảng kính trọng dân, không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân còn nhân dân tin theo Đảng, có như vậy thì thời kỳ nào chúng ta cũng giành thắng lợi với mục tiêu đề ra.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là kỳ vọng lớn lao nhưng có cơ sở, đó là cơ sở của lịch sử, của văn hóa, của xã hội, của quá khứ của cả nền kinh tế và cơ sở của niềm tin, của tình đoàn kết rộng rãi.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, nói một cách cụ thể đó là khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng của mỗi người dân, ông nghĩ sao về điều này?
- Xây dựng khát vọng thì phải xây dựng trên nền tảng nhân văn, không để ai bỏ lại phía sau, đừng ai giàu một mình, nhân văn và văn hóa ở chỗ đó. Khát vọng phải như vậy mọi người mới hồ hởi, chứ không phải khát vọng là mấy người làm giàu nhanh, làm giàu một mình, làm giàu bằng mọi cách, điều đó không văn hóa. Nếu mình giàu mà người khác còn đang khốn khổ mình lại không quan tâm, mình giàu bằng cách lấy cái của người khác, lấy lợi ích của cộng đồng, của dân tộc cho cá nhân đó là điều không được, không nhân văn.
Khát vọng làm giàu cho dân tộc trong đó có mình, tất nhiên ai làm được nhiều thì hưởng nhiều hơn. Hiện giờ có nhiều doanh nghiệp rất giàu, nhân dân sẽ không có ý kiến nếu doanh nghiệp đó làm đúng luật, không bóc lột ai, có sự đóng góp lớn cho đất nước, luôn luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Chúng ta nhấn mạnh khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, đồng thời đặt ra mục tiêu cụ thể, đó khát vọng chính đáng, có nền tảng, có cơ sở khoa học và thực tiễn nhưng không hề dễ thực hiện. Bởi quá trình thực hiện còn muôn hình vạn trạng, thế giới còn nhiều chuyện khó lường, chẳng hạn năm 2020 có ai biết được sẽ có đại dịch Covid-19. Dịch này ảnh hưởng vô cùng, chúng ngăn chặn được nhưng quốc gia khác chưa ngăn chặn được, nhiều quốc gia vẫn đang khủng hoảng vì dịch thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Bởi hiện nay thế giới liên kết, còn chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, người ta không phát triển được, người ta không mạnh được thì chúng ta làm sao phát triển được, mạnh được. Đạo lý của chúng ta là cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, phồn thịnh.
Nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, khi chúng ta khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thì vai trò của nông dân cần được phát huy thế nào thưa ông?
- Nông thôn có vai trò vô cùng quan trọng vì nước ta là nước nông nghiệp, đổi mới mà nông thôn không đổi mới được chút nào thì mục tiêu không hoàn thành, đổi mới mà người dân ở nông thôn còn nghèo đói, quá khổ sở, còn bị bỏ lại phía sau thì đừng nói chuyện đổi mới. Nông thôn ngày nay so với ngày trước quá đẹp, quá tốt, người dân nhiều nơi làm hợp tác xã kiểu mới, áp dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp càng thâm nhập sâu và thị trường quốc tế, như quả vải, xoài, vú sữa, lúa gạo, cà phê, hạt điều… đều tới các thị trường khó tính nhất thế giới.
Người nông dân giờ đã đổi mới rất nhiều để hội nhập quốc tế, tất cả điều đó là văn hóa, bởi văn hóa suy cho cùng là con người, đem tới hạnh phúc ấm no cho con người, thể hiện khát vọng của con người, khát vọng vươn tới chân- thiện –mỹ, khát vọng tới ấm no hạnh phúc đồng thời cũng là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Với xã hội Việt Nam thì vai trò của nông dân rất to lớn. Nói về truyền thống lịch sử phải khẳng định người nông dân quyết định cách mạng giải phóng đất nước.
Trong đấu tranh giải phóng dân tộc chúng ta có hẳn một chiến lược lấy nông thôn bao vây thành thị, ngay cả cách mạng giải phóng miền Nam cũng dùng chiến lược lấy nông thôn bao vây thành thị. Như vậy, lực lượng dựa vào đâu, dựa vào chính những người nông dân.
Ở giai đoạn cách mạng này có thể cũng có ý kiến cho rằng nông dân, nông thôn đóng góp được bao nhiêu, phải đội ngũ trí thức, phải cách mạng 4.0. Cá nhân tôi khi còn là Đại biểu Quốc hội (năm 2004) đã nói: Nhà nước phải đầu tư cho nông nghiệp để phát triển nông thôn. Lúc đó có nhiều Đại biểu Quốc hội khi ra hành lang đã nói "ông Chức có phải nông dân đâu" rồi "đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thì thu được bao nhiêu". Tôi nói, số tiền thu lại có thể không nhiều nhưng tôi khẳng định nếu đầu tư cho nông nghiệp thì chỉ 10 năm nông thôn sẽ khá.
Tôi rất mừng là Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy và chỉ ra vấn đề của nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm gần đây chúng ta càng ngày càng tập trung đầu tư cho nông nghiệp, bởi vì không chỉ chuyện kinh tế mà còn các vấn đề khác. Nước ta trước có tới 80%, nay thay đổi cũng phải hơn 60% là nông dân cho nên cuộc vận động xây dựng nông thôn mới có tính cách mạng rất cao.
Nhìn lại lịch sử, chính chúng ta đổi mới tư duy bắt đầu từ nông nghiệp như chủ trương khoán hộ của ông Kim Ngọc (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, nay tách 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) chứ không phải đổi mới tư duy từ công nghiệp. Đổi mới tư duy từ nông nghiệp và bắt đầu nền tảng như vậy chúng ta mới có công cuộc đổi mới như ngày hôm nay.
Nói như vậy để thấy nông dân, nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng giai đoạn này, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước hùng cường. Cuộc cách mạng này vai trò của nông dân, nông nghiệp và nông thôn không những không giảm đi so với thời kỳ các cuộc cách mạng trước mà còn phải được nâng lên, phát huy sâu sắc hơn, toàn diện hơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới tầm nhìn sâu hơn, sự đoàn kết nhất trí giữa công- nông- trí.
Trí thức phải về với nông thôn, đây không phải bắt về mà niềm vui về với bà con. Hiện có rất nhiều trí thức trẻ về với nông thôn, thậm chí có nhiều người gác bằng cấp lại để về trực tiếp làm, bởi vì truyền đạt không được, họ tự làm, đó là sự mẫu mực để người nông dân noi theo; để người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; để làm cho diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, tư duy của nông dân ngày càng tốt hơn.
TS Nguyễn Viết Chức: Với thành công của Đại hội XIII, cùng sự đổi mới trong công tác cán bộ, tôi tin rằng thế hệ cán bộ thời kỳ này sẽ nhận thức ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình để rèn luyện, tu dưỡng, đi đầu trong cuộc cách mạng để hiện thực hóa khát vọng của toàn dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.