Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 16/04/2021 07:01 AM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, với Quốc hội Nghị quyết đã xác định 8 nội dung lớn.
Bình luận 0

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa chủ trì hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu chuyên trách ở Trung ương, chiều 15/4.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là hội nghị với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức kể từ sau khi Quốc hội tiến hành kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV.

Xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 11 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 và thông qua Nghị quyết xác định các nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan này cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Với Quốc hội, Nghị quyết đã xác định 8 nội dung lớn gồm:

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Quốc hội 

Một là, tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Hai là, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Bốn là, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng.

Năm là, tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại.

Sáu là, tăng cường gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân; nâng cao hiệu quả các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội - Ảnh 3.

Quang cảnh hội nghị.

Bảy là, hiện đại hóa điều kiện bảo đảm hoạt động, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục xây dựng Quốc hội điện tử; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Tám là, tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn; nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, công tác nghiên cứu khoa học lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV được đánh giá là rất thành công trên tất cả các phương diện. Những thành tựu của Khóa XIV và "di sản" đồ sộ mà Quốc hội đã đạt được trong 75 năm qua là nền móng tốt đẹp để Quốc hội tiếp tục phát triển. Đó cũng là thử thách đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục duy trì, đổi mới và làm tốt hơn nữa, để thực sự là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Tăng cường hơn nữa kỷ cương lập pháp

Tại Hội nghị, các đại biểu chuyên trách ở Trung ương đã tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề trọng tâm, từ đó đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận đề xuất của các đại biểu về việc Quốc hội cần tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương lập pháp; các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội cần chủ động hơn nữa để dẫn dắt công tác lập pháp.

Trong giám sát, phải gắn được trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình tại các cơ quan của Quốc hội.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy bên trong của Quốc hội hợp lý hơn; làm rõ hơn mối quan hệ giữa cơ quan quản lý chuyên môn, quản lý nhân sự, hoàn thiện chế độ chính sách cho đại biểu Quốc hội hỗ trợ tốt hơn để đại biểu thực hiện trọng trách của mình.

Nhấn mạnh đổi mới của Quốc hội là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, với tâm huyết và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú tại các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương dù tái cử hay chuyển sang nhiệm vụ khác sẽ luôn quan tâm, đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem