Khởi động tiêm chủng sớm ở 2 tỉnh có dịch

Diệu Linh Thứ ba, ngày 09/09/2014 12:02 PM (GMT+7)
Tại các tỉnh Sơn La và Hòa Bình đang có hai ổ dịch lớn mắc sốt phát ban nghi sởi. Bộ Y tế đã chỉ đạo 2 tỉnh này “khởi động” chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi ngay trong tháng 9, trong khi các tỉnh khác phải đến tháng 10 mới bắt đầu. 
Bình luận 0

Dịch bùng phát do tỷ lệ tiêm chủng thấp

Ông Lê Xuân Hoàng – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu đã có 93 ca sốt phát ban nghi mắc sởi. Đa số người mắc là trẻ em dân tộc Mông. Theo ông Hoàng, địa bàn này giáp với xã Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La) - là điểm đầu tiên khởi phát các ca mắc sởi. Do các xã này đều là vùng sâu vùng xa, bà con sống du canh, thường đi làm nương vài tuần, vài tháng, đến đợt tiêm chủng không về kịp nên tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Vì vậy, chỉ cần có 1 ca mắc sởi là bệnh sẽ nhanh chóng lây lan ra cộng đồng. Ông Hoàng cho biết, tuy có gần 100 ca sốt phát ban nghi mắc sởi nhưng chỉ có 6 ca nặng (chưa đến mức phải thở máy), đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Mai Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Để khống chế dịch, bệnh viện huyện và tỉnh đã nhanh chóng thành lập phòng cách ly để khám và điều trị, tránh nhiễm chéo sang trẻ khác. Đồng thời, Sở Y tế Hòa Bình cũng thành lập tổ công tác lưu động đến từng thôn để khám sàng lọc cho các cháu. Ca nào nhẹ thì hướng dẫn gia đình điều trị tại nhà, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan. Theo ông Hoàng, hiện các ca bệnh chỉ còn rải rác. Tỉnh Hòa Bình đang tích cực chuẩn bị chiến dịch tiêm vaccine sởi –rubella trong toàn tỉnh, dự định sẽ tiêm trong cuối tháng 9 và sớm nhất sẽ là huyện Mai Châu.

Cùng đợt, tại Mộc Châu, Sơn La cũng có 50 ca sốt phát ban nghi sởi. Hiện số ca mắc mới cũng đã được khống chế.

Chủ động phòng bệnh

TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mục tiêu của chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Dự tính, vaccine sởi đơn và vaccine phối hợp sởi – rubella sẽ tiếp tục được triển khai tiêm chủng theo lịch trong tiêm chủng mở rộng các năm tiếp theo.

Ông Phu cho biết, vaccine sởi-rubella rất an toàn, hiếm khi xảy ra phản ứng sau tiêm. Theo ông Phu, các ca chống chỉ định tiêm vaccine sởi – rubella là trẻ sốt cao, dị ứng với bất cứ thành phần nào trong vaccine, có tình trạng suy chức năng cơ quan (suy hô hấp, suy tim, suy thận...), suy giảm miễn dịch nghiêm trọng bẩm sinh hoặc mắc phải (bệnh AIDS), phụ nữ có thai... Còn các trường hợp tạm hoãn tiêm như: Mắc các bệnh cấp tính hoặc bệnh nhiễm trùng; trẻ sốt trên 37,5 độ; mới dùng sản phẩm globulin miễn dịch hoặc truyền máu, huyết tương trong vòng 3 tháng; trẻ mới kết thúc điều trị corticoid trong vòng 14 ngày, thuốc ức chế miễn dịch khác hay điều trị xạ trị; mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu.

   Theo TS Trần Đắc Phu: Phụ huynh khi đưa con đi tiêm vaccine sởi -rubella cần: Cho trẻ ăn no trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, thông báo về tình trạng sức khỏe của con, theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban... Không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm; đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ bị sốt cao trên 39 độ, co giật, khó thở, tím tái, phát ban... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày”. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem