Mãnh thú “nghe nói”
Lúc bấy giờ, một số nhà báo giàu trí tưởng tượng sẽ tha hồ nêm thêm giấm thêm ớt cho bài viết với những thông tin cực kỳ ít ỏi và những dự đoán cực kỳ… hoành tráng. Đọc những bài báo này người đọc vừa thấy hấp dẫn vừa thấy ngại ngần, vì thông tin chỉ là “nghe thấy nói” hay “theo người dân” và “theo nhận định của… nhà khoa học” mà tên tuổi không được khai báo và chức danh càng rất tù mù.
Với nhà báo viết phóng sự hay bài phản ánh, thì “có đi mới có bài”. Nhưng bây giờ, một số nhà báo thay vì đi cơ sở để viết bài phản ánh, thì họ chỉ “ngồi thiền” ở nhà mà vẫn có bài. Họ viết theo kiểu “nhắm tọa độ” và “định vị từ… xa”.
Ngồi cafe viết về kỳ nam
Nghề báo là một nghề nặng nhọc. Điều đó ai cũng biết. Nhưng nghề báo ở ta lắm khi cũng không rõ nặng nhẹ thế nào. Điều đó chỉ một số nhà báo biết.
Ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) có một cái làng khá khuất nẻo trên rừng, tên gọi làng Tốt. Đó là một làng nghèo. Bỗng một ngày, có người trong làng đi rừng vớ được một cục… kỳ nam, nghe nói nặng tới nhiều ký lô, mang về bán được nhiều tỷ đồng.
Thế là rộ lên thông tin này trên rất nhiều tờ báo, từ báo mạng tới báo in. Nhưng chưa hết. Sau một thời gian, người “trúng” kỳ nam nghe nói đã xây nhà bạc tỷ ở ngay làng Tốt, thế là có ngay một bài báo dài về “Làng Tốt đổi đời nhờ… kỳ nam”, trong đó mô tả cảnh đường làng được bê-tông hóa, dân làng Tốt nhờ trúng kỳ nam nên mua xe chạy “dàng trời” trên những con đường làng trải bê tông phẳng lì.
Bài báo được đăng và được nhiều báo mạng “cọp” lại, gây náo nức cho dân những làng khác thuộc miền núi Quảng Ngãi, thôi thúc họ đổ xô vào rừng tìm… kỳ nam. Tới khi có một nữ nhà báo theo “dấu chân bài báo” nọ lặn lội lên tới tận làng Tốt mong viết được một bài báo “người tốt, việc tốt ở làng… Tốt” (3 tốt), chị mới hỡi ơi vì đường làng xe máy không chạy được, muốn tới làng phải lội sông vì chưa có cầu, và cả làng chỉ có mỗi “ngôi nhà bạc tỷ” của người trúng kỳ nam mới xây, nhưng không ở được vì... không thích hợp với địa hình và khí hậu miền rừng núi, nơi chỉ có nhà sàn truyền thống trụ lại từ bao đời.
Làng Tốt vẫn nghèo như xưa, có vẻ còn nghèo hơn xưa, vì dân náo nức vào rừng tìm trầm, tìm kỳ nam mà lơ là sản xuất. So về sức vóc, thì chị nhà báo này còn yếu ớt hơn anh nhà báo to khỏe kia nhiều. Vậy mà một người thì đi tận nơi để sau đó rất khó viết được một bài theo “định hướng” là “Làng Tốt… ba tốt”, còn một người thì thanh thản ngồi uống cà phê tại thành phố mà vẫn có bài đúng “định hướng… đổi đời” về một ngôi làng tít tận rừng xanh.
“Phỏng vấn từ xa” người đang ốm
Lại có nhà báo cho đăng một bài phỏng vấn ông chủ tịch tỉnh, trong đó có nội dung về một chủ trương mới của tỉnh “đưa dân trong tỉnh ra lập nghiệp tại một quần đảo xa”. Bài phỏng vấn lập tức trở thành một bài “hot” trên báo mạng, và cũng lập tức được nhiều trang mạng khác “cọp” lại. Nhưng khi hỏi ra, thì bài phỏng vấn “tại chỗ” được thực hiện trong lúc vị chủ tịch tỉnh đang trị bệnh tại một thành phố xa, và khi được hỏi, thì ông cứ lắc đầu quầy quậy vì chưa hề trả lời một cuộc phỏng vấn nào có nội dung như thế cả!
Làm báo là vất vả, ai cũng biết thế và rất dễ thông cảm với nhà báo. Nhưng khi có một cái tin do cộng tác viên từ một huyện miền núi xa nhất tỉnh gửi về, nói rằng huyện T.T cho mua máy nông cụ và công cụ mất tới 60 tỷ đồng về “đắp chiếu” nằm đó, không sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Một số nhà báo đọc được tin “hot” này đã lập tức “độ lại” và cẩn thận nêm thêm giấm ớt vào, khiến Chính phủ phải lập tức cho điều tra. Có một tờ báo đăng bài viết dài nhất về vụ này, đã phải kiểm điểm. Làm báo vất vả là thế!
Nhà thơ Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.