Khốn đốn vì cát lấp, sông "nuốt" ruộng đồng

Phan Phương Thứ bảy, ngày 26/11/2016 13:30 PM (GMT+7)
Giống trôi, ruộng đất bị sạt lở, vùi sâu dưới cát, đá, hệ thống kênh mương thủy lợi tan nát... là thực trạng ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình sau lũ. Khôi phục lại sản xuất nông nghiệp hiện là một vấn đề rất nan giải ở các địa phương này.
Bình luận 0

Ruộng mất

Xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) nằm trên thượng nguồn sông Gianh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong hai đợt lũ vừa qua. Ông Phùng Ngọc Anh - Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa  cho biết, bên cạnh những  thiệt hại lớn về tài sản, hai đợt lũ vừa qua còn “xoá sổ” hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp ven sông Gianh, lấn sâu vào khu vực đất vườn, đất ở của nhiều hộ dân. Đáng chú ý là tình trạng sạt lở đất vẫn đang tiếp tục xảy ra ở địa phương, đe doạ đến tính mạng, tài sản và đời sống của người dân...

img

Sau lũ, hàng chục ha đất nông nghiệp ven sông Gianh đã bị “xóa sổ” (trong ảnh sông Gianh đoạn qua xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa đã bị sạt lở nghiêm trọng).  Ảnh: P.P

Có một điều rất đáng lo ngại là hiện tại nhiều xã của huyện như Thuận Hóa, Thạch Hóa, Châu Hóa… mặc dù lũ đã hết nhưng sông Gianh vẫn tiếp tục bị sạt lở làm hàng chục ha đất nông nghiệp vẫn bị mất. Chỉ trong đêm 15.11, toàn bộ trạm bơm ở thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa đã bị sông Gianh  “nuốt chửng” xuống lòng sông…”. 

Ông Nguyễn Xuân Tuynh -  Chủ tịch Hội ND Tuyên Hóa

Theo ông Anh, toàn xã Thuận Hóa  hiện có khoảng 700 hộ gia đình, với hơn 2.700 khẩu, sống phân bố ở 7 thôn. Tổng diện tích đất tự nhiên của địa phương 4.550 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 113ha, số còn lại chủ yếu là đất rừng.

“Với 113ha đất sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả đất trồng lúa, trồng màu) được chia đều cho 7 thôn, tính ra bình quân mỗi hộ ở địa bàn này chỉ có vỏn vẹn chừng 0,18ha đất canh tác. Đất sản xuất nông nghiệp khan hiếm, đã thế hai trận lũ vừa qua đã lấy đi rất nhiều diện tích đất của xã, đẩy hơn 60 hộ dân của xã vào cảnh mất đất canh tác...” - ông Anh nói.

“Chú coi, ruộng ngô sản xuất 2 vụ/năm của nhà tui trước đây tốt bời bời nhờ có chất đất phù sa rất màu mỡ. Nhà tui sống dựa vào nghề nông, từ tiền nộp học của các con đến miếng ăn, cái mặc, mua sắm các vật dụng... đều nhờ một phần rất lớn từ ruộng ngô này. Vậy mà bây chừ nó đã nằm ở ngoài sông, làm sao mà canh tác được...” - một người dân ở xã Thuận Hoá có đất nông nghiệp bị lũ lụt “xoá sổ” chỉ tay ra phía dòng sông Gianh đang cuộn chảy, xót xa nói.

Không riêng xã Thuận Hóa, nhiều xã khác dọc theo sông Gianh như: Ngư Hóa, Đức Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa…(Tuyên Hóa), Cảnh Hóa, Phù Hóa (Quảng Trạch), Quảng Hải, Quảng Thanh, Quảng Sơn…(thị xã Ba Đồn)… cũng đều  chung hoàn cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Tri Phương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tuyên Hóa, đợt lũ vừa qua đã làm bồi lấp, sạt lở gần 100ha đất ruộng của bà con nông dân trên toàn huyện, trong đó có nhiều xã miền núi, đất sản xuất nông nghiệp vốn rất ít, lại bị lũ “xóa sổ” phần lớn… gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân trong việc khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau lũ.

Giống sản xuất cũng thiếu

Hai cơn lũ liên tiếp đi qua, để lại cho người dân Tuyên Hóa hậu quả hết sức nặng nề. Bên cạnh những thiệt hại trước mắt thì người dân vùng lũ Tuyên Hoá đang phải đối mặt với việc thiếu giống cho vụ sản xuất đông xuân đang cận kề.

Ông Võ Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: “Toàn xã có 132ha đất canh tác các loại. Nhu cầu giống cho vụ sản xuất đông xuân này khoảng 20 tấn các loại, nhưng hiện nay, người dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước vì hai trận lũ qua, toàn bộ giống dự trữ của bà con nông dân đều bị nước lũ cuốn trôi, làm hỏng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Tuynh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa, để chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới, toàn huyện phải cần ít nhất trên 5 tỷ đồng để mua các loại giống lúa, ngô, lạc… “Cấp bách nhất hiện này là các xã đang cần các loại giống cây ngắn ngày như rau, củ, ngô, khoai lang… để sản xuất vụ đông nhưng không xoay trở không ra” - ông Tuynh nói.

Ngoài ra, hiện ở nhiều xã của Tuyên Hoá còn đang rối như tơ vò, bởi hàng chục km công trình thủy lợi bị vùi lấp hoặc cuốn trôi. Thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 5.000m kênh mương bị phá hỏng, nhiều bờ bao, máy bơm nước bị lũ cuốn, phá hỏng không thể khắc phục… Đây thực sự là một vấn đề rất nan giải khi vụ sản xuất đang cận kề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem