Khốn khổ tìm người trông con
|
Một số trường học đóng cửa khiến công nhân khốn đốn. Ảnh: VnMedia |
Mấy ngày nay chị Nguyễn Thị Hằng Nga, quê Hà Tĩnh, công nhân một công ty may mặc ở Hà Đông (Hà Nội) khốn đốn vì con. Vợ chồng chị có con gái nhỏ mới 2 tuổi. Bình thường chị thường gửi cháu ở nhà trẻ để đi làm. Nhưng mấy hôm nay nhiệt độ xuống dưới 10°C, nhà trẻ mà con chị đang theo học đóng cửa.
Hôm đầu, đứa em gái đang học đại học ở Hà Nội nghỉ ôn thi được "điều" đến trông cháu. Nhưng rồi cô em cũng phải học thi. Cực chẳng đã, bà ngoại ở quê đành phải ra Thủ đô để trông cháu trong những ngày giá rét.
Chị Hằng Nga tâm sự: "Theo dõi dự báo thời tiết thấy đợt rét này đang còn kéo dài hàng tuần nữa mà lo quá. Sắp đến Tết nên công việc của hai vợ chồng tôi cũng nhiều. Ít hôm nữa trời không ấm lên được chắc phải cho cháu về quê với ông bà".
Cùng chung cảnh ngộ như chị Hằng Nga là nhiều gia đình công nhân có con nhỏ khác. Đợt rét đậm, rét hại lại chỉ cách Tết Nguyên đán chưa đến một tháng. Trong khi đó, với đại đa số công nhân, đây lại là giai đoạn công việc rất bận rộn.
Chưa kể nhiều người còn tranh thủ những tháng cuối năm làm thêm giờ để kiếm tiền ăn Tết. Không có ông bà, người thân đỡ đần, họ phải xoay xở đủ cách trông con. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phan Thị Vân - công nhân dệt may đang trọ ở khu vực Cổ Nhuế, Hà Nội cho biết, ngày rét đầu tiên, không xoay xở kịp, chị gửi con trai 4 tuổi nhờ các bạn sinh viên trong xóm trọ trông hộ.
Những ngày kế tiếp, nhờ người giới thiệu, chị gửi con cho một bà cụ trong ngõ với giá 30.000 đồng một ngày. "Thuê người trông nhưng trước khi đi làm, tôi đã chuẩn bị đủ mọi thứ từ đồ ăn, sữa…cho cháu. Chỉ có như thế mình mới yên tâm làm việc được" - chị Vân chia sẻ.
Chia sẻ trong ngày rét
Theo tìm hiểu của chúng tôi nhiều công ty trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc không cho phép công nhân nghỉ làm để trông con. Với hầu hết các công ty, Tết Nguyên đán sắp đến cũng là lúc cả công ty phải gồng mình làm việc để hoàn thành xong những hợp đồng giao hàng trước Tết.
Cá biệt, nhiều công ty công nhân còn phải làm thêm giờ. "Nếu nhiều công nhân nghỉ việc, công ty sẽ tìm đâu ra người làm thay trong những ngày năm hết Tết đến như thế này" - cán bộ của một công ty dệt may ở Hà Nội nói.
Tuy nhiên, nhiều công ty cũng linh động cho công nhân nghỉ theo chế độ nghỉ hàng năm hoặc tạo điều kiện để công nhân đổi ca. Chị Vân Anh - Ban Quản lý Công ty Đầu tư hạ tầng KNG Nam Thăng Long cho biết: "Trong những ngày giá rét, các trường học phải đóng cửa, công nhân nào có nguyện vọng và có giấy xin phép ghi rõ lý do có con nhỏ phải nghỉ học, công ty sẽ hết sức tạo điều kiện cho công nhân".
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Pin Hà Nội cũng chia sẻ: "Rất may là công ty chúng tôi có nhà trẻ riêng dành cho con em công nhân trong toàn công ty. Vì thế, trời có rét hơn nữa thì nhà trẻ vẫn hoạt động bình thường và có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Đó là cách hữu hiệu để dù trời lạnh đến thế nào đi chăng nữa thì công nhân vẫn có thể yên tâm làm việc".
Tại Yên Bái, nhiệt độ nhiều vùng có lúc chỉ từ 1 - 50C, ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái cho hay, từ ngày 11-1, nhiệt độ xuống thấp, nhiều trường đã cho học sinh khối THCS, tiểu học và mầm non nghỉ. Tuy nhiên trong những ngày nghỉ, các trường phải luôn có cán bộ thường trực, các hoạt động hành chính diễn ra bình thường. Sau đợt nghỉ rét, các đơn vị trường sẽ bố trí việc dạy và học hợp lý, đảm bảo kế hoạch, không được dạy dồn tiết hoặc cắt xén chương trình.
Thảo Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.