Khi thuỷ điện “chơi lén”Đến giờ, người dân nhiều huyện và TP.Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn còn khiếp đảm, uất ức khi nhắc đến trận lũ “nhân tạo” đầu tháng 11.2010. “Rạng sáng ngày 2.11.2010, làng xóm cuống cuồng gom kê đồ đạc chạy lũ, vì bỗng dưng nước lớn nhanh quá. Hàng ngàn người không kịp trở tay. Không ai biết sao nước lớn đột ngột như thế, mà không hề thấy thông báo gì trước đó.
Toàn bộ chợ trung tâm tỉnh đã phải di dời lên Ngã Năm Tuy Hòa để buôn bán. Đời sống người dân bị xáo tung, thiệt hại nông nghiệp không thể tính hết, thảm thê lắm! Sau đó mới biết do Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ “thẳng tay” mà không thông báo” - ông Ngô Đồng Ân (xã Bình Ngọc, Tuy Hòa) nhớ lại. Theo nhiều người dân, đợt đó, các cơ quan chức năng Phú Yên đã bị Thủy điện Sông Ba Hạ “qua mặt”.
“Qua mặt” cơ quan chức năng thì có thể bỏ qua, nhưng còn trên 2.000 ngôi nhà ở vùng hạ du đã bị dìm ngập, 4 người chết và mất tích trong đợt xả lũ này thì không thể nói là bỏ qua được. Nhưng khổ người dân, nói là không bỏ qua nhưng cũng không làm gì được với “lũ thủy điện”...
Thủy điện xả lũ kèm lũ thiên nhiên làm cho người dân và nông nghiệp tại huyện Đại Lộc bị thiệt hại nặng.
Tuy nhiên, việc thủy điện xả lũ không báo trước gây thiệt hại kinh hoàng nhất là tại Quảng Nam. Hôm đó vào ngày 29.9.2009. Trong khi đỉnh lũ vùng hạ du sông Vu Gia đạt mức báo động III cũng là lúc Thủy điện A Vương xả lũ để bảo vệ hồ thủy điện. Tổng cộng Thủy điện A Vương xả xuống hạ lưu 149 triệu m3 nước gây ngập 95% nhà dân toàn huyện Đại Lộc. Cơn “lũ thủy điện” ấy đã làm 8 người chết, hơn 300 người bị thương, 35.000 nhà dân bị ngập nước từ 1 - 4,5m, hơn 13.500 tấn lương thực bị trôi và ngập ướt hư hỏng, hàng trăm hécta hoa màu bị ngập trong nước.
Những nỗi kinh hoàng do lũ thủy điện còn dai dẳng. Như năm 2013 này, chỉ trong 1 tháng (từ nửa tháng 9 đến nửa tháng 10, người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có đến 3 đợt bị ngập lụt nặng vừa do thiên tai vừa do thủy điện. Trong đó, Thủy điện A Vương xả 150m3/s, Đăk Mi 4 xả 1.800m3/s đến 2.744m3/s, Sông Bung 4A xả từ 500m3/s đến 1.000m3/s. Sau khi các thủy điện xả lũ, đã có hàng ngàn ngôi nhà cùng hàng ngàn hécta hoa màu ngập nặng. Tại Phú Yên cũng vậy, ngày 4.10.2013, chỉ mới sau đợt mưa “bình bình”, Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 5.100 - 5.500m3/s khiến nhiều vùng dân cư hạ lưu sông Ba tiếp tục bị ngập lụt nghiêm trọng.
“Giữ thì giữ, thích xả thì xả”“Phận người dưới “họng” thủy điện thiệt trầm luân! Mùa khô thì mấy ổng tích trữ gây thiếu nước tưới, mùa mưa thì xả lũ tràn lan. Tui nghe chính quyền tìm đủ mọi cách để quản mấy ông thủy điện, nhưng sao mấy ổng muốn giữ thì giữ, muốn thả thì thả tự tung tự tác như vậy?” - ông Phạm Thanh (xã Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên) bức xúc.
Những năm gần đây, thuỷ điện luôn là nỗi lo thường trực của người dân. Nắng thì lo thuỷ điện tích nước, làm cho hạn càng hạn hơn; mưa thì lo thuỷ điện xả lũ để lũ chồng lên lũ.
|
Những năm lại đây, Thủy điện Sông Ba Hạ đã có cải thiện về vấn đề thông tin lịch xả lũ. Họ đã báo cáo bằng nhiều cách, nhiều phương tiện, kể cả việc nhắn tin cho người chức trách ở địa phương. Việc xả lũ không còn đột ngột như trước nhưng sự lo lắng của người dân thì không giảm đi. Thủy điện đã không làm được vai trò phân lũ, giảm lũ mà góp thêm lũ thì dù cho có báo trước nó cũng vẫn luôn là nỗi kinh hoàng của người dân vùng hạ du” - ông Hồ Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa, nói.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cũng nói: Quy trình điều hành, điều tiết đối với các thủy điện còn bất cập nhiều. Cứ đến mùa mưa, thuỷ điện mạnh ai nấy xả, chứ chưa quy định được đơn vị này xả bao nhiêu, đơn vị kia xả bao nhiêu và xả vào nhánh sông nào cho hợp lý nhằm điều tiết lũ. Còn sau khi lũ rút, họ lại được phép tích nước đầy trở lại, nếu gặp lũ, họ tiếp tục xả, lúc nào họ cũng báo cáo xả đúng quy trình, chứ có ai đứng ra giám sát, điều tiết họ xả lũ đâu...
Trương Hồng - Đức Tuấn (Trương Hồng - Đức Tuấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.