"Không ai bước chân vào tu hành lại có được khoản tiền tới 300 tỷ"

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 10/10/2019 07:30 AM (GMT+7)
Sư thầy Thích Đức Tuân - trụ trì chùa Bạch Liên (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng phải làm rõ nguồn gốc số tiền 300 tỷ mà sư Thích Thanh Toàn nói là tài sản riêng, xin được giữ lại sau khi hoàn tục.
Bình luận 0

Việc ông Lê Hữu Long (tên thật của sư Thích Thanh Toàn) nói trong một video tại cuộc họp của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc hôm 5/10, xin được xả giới hoàn tục và được giữ lại một số tài sản, trang trại tại chùa Nga Hoàng, với trị giá lên tới 200-300 tỷ đồng... đã gây xôn xao dư luận nhiều ngày nay. Về sự việc này, thầy Thích Đức Tuân - trụ trì chùa Bạch Liên (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã trao đổi với Dân Việt để làm rõ thế nào là tài sản công và tài sản tư của người tu hành.

img

Ông Lê Hữu Long (tên thật của Đại đức Thích Thanh Toàn)

Theo thầy Thích Đức Tuân, với một người đi tu hành sau đó lại xin xả giới hoàn tục thì sẽ có hai loại tài sản, là tài sản công và tài sản tư.

Tài sản công bao gồm ngôi chùa, đất trong chùa cũng như số tiền cúng dường để xây dựng chùa, tạo tượng, đúc chuông, hay tiền khách thập phương cúng vào công đức của chùa.

Tài sản riêng là khi phật tử tặng riêng cho cá nhân vị tăng, ví dụ mua sách, quần áo… thậm chí ô tô và đứng tên cá nhân thì đó được gọi là tài sản riêng.

Tuy nhiên, nếu sư thầy lấy số tiền của phật tử cúng Tam bảo mua đất đứng tên mình thì đó là phạm "Tỳ kheo giới bổn", phạm vào pháp thứ 1, pháp thứ 9 và pháp thứ 12 trong 93 pháp Ba - dật - đề (Là Tỳ kheo cố ý nói dối; Tỳ kheo thuyết pháp cho người nữ quá 5-6 lời; Tỳ kheo cố ý nói quanh và gây phiền cho vị khác).

Với số tài sản ông Lê Hữu Long nói rằng lên tới 300 tỷ và muốn xin giữ lại sau khi xả giới hoàn tục, thầy Thích Đức Tuân cho rằng, cơ quan an ninh cần phải làm rõ số tiền thực sự có đúng như ông Long nói hay không. Cần phải điều tra xem số tiền đó từ đâu, do phật tử hiến tặng cho chùa hay do ông Lê Hữu Long kinh doanh để có được.

"Tôi đọc thông tin trên báo, ông Lê Hữu Long nói muốn xin giữ trang trại vì đó là tài sản của ông. Tuy nhiên, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần làm rõ số tiền mua trang trại đó từ đâu. Ví dụ như số tiền để mua trang trại, ông Lê Hữu Long dùng từ việc phật tử cúng dường Tam bảo thì trang trại đó thuộc về chùa Nga Hoàng. Nếu số tiền mua trang trại đó được ông Lê Hữu Long lấy từ việc mình đứng phó đàn tràng, cúng lễ cho phật tử (ngoài các lễ nghi được thực hiện trong chùa), được phật tử tuỳ tâm cúng dường riêng cho ông Lê Hữu Long thì được coi là tài sản riêng", thầy Thích Đức Tuân nói.

Nói về việc một người tu hành sau thời gian đi tu sẽ có được khoản tiền 300 tỷ, thầy Thích Đức Tuân khẳng định, không một ai bước chân vào tu hành lại có thể có được khoản tiền lớn như vậy.

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra quan điểm phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản của thế danh Lê Hữu Long (đại đức Thích Thanh Toàn), cần làm rõ có hay không có tài sản 200-300 tỷ như lời ông Long nói.

Còn theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì Hội đồng trị sự cũng nhận được báo cáo nhanh, tài sản của thầy Toàn đứng tên có hơn 6.000m2 đất và một số đất thủy lợi. “Dù có đúng theo Luật Đất đai, nhưng theo Luật Phật, một vị tỳ kheo khi xuất gia thì tất cả tài sản được sử dụng đó đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn)”.

Giải thích thêm về tài sản của người tu hành, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, một vị tỳ kheo chết đi, cái gọi là tài sản bên mình gồm ba tấm y ca sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, nên không có sự thừa kế ở đây. Y cứ theo Luật Phật, thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản này. Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội. Căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là Giáo hội. 

Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ, khi bổ nhiệm trụ trì tất cả tài sản thuộc về Tăng. Do vậy thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản. Thầy lí luận do công đức cá nhân, nhưng cá nhân cũng thuộc về Tăng.

Được biết, tối 7/10, Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định về việc bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với Đại đức Thích Thanh Toàn, đồng thời quyết định cho Đại đức Thích Thanh Toàn xả giới hoàn tục.

Theo Đại đức Thích Tâm Vượng - Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, trang trại của sư Thích Thanh Toàn nằm trong diện tích của chùa Nga Hoàng, vì vậy trang trại này cần phải được làm rõ đứng tên ai, thuộc quyền sở hữu của chùa Nga Hoàng hay của cá nhân sư Toàn. Trong những ngày tới đây, Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ họp với ông Lê Hữu Long (sư Thích Thanh Toàn), chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc để làm rõ về vấn đề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem