Cụm từ này “nổi tiếng” ngay từ khi đi vào cuộc sống bởi vì nó liên quan đến việc xử phạt những người sử dụng phương tiện “không chính chủ”.
Bởi vì nhà ai cũng có ít nhất một chiếc xe máy, và rất dễ xảy ra chuyện người sử dụng không đứng tên tài sản, vụ ồn ào này đã tạm thời lắng xuống vì Chính phủ chỉ đạo tạm thời không phạt người sử dụng xe “không chính chủ”. Mới đây, quy định chủ nuôi phải đăng ký nuôi chó, mèo với UBND phường, xã lại xôn xao chuyện chó mèo “không chính chủ” hoặc “chính chủ”.
Nếu như không đăng ký thì sẽ bị phạt. Đăng ký chó, mèo “chính chủ” là để quản lý, không cho chó, mèo thả rông, nuôi không đảm bảo vệ sinh, không chấp hành tiêm phòng. Có không ít người lên tiếng than “giời”, ở quê chó, mèo thả rông từ xưa đến nay, ngay cả người đi vệ sinh cũng “thoải mái”, vậy thì quản lý chó sao được.
Vừa qua, Quốc hội bàn căng thẳng về việc kê khai tài sản của người có chức vụ, nhưng vẫn chưa đi đến quyết định mở rộng đối tượng kê khai. Trên thực tế, nhiều người không dại dột gì đứng tên tài sản vì đó chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”, mà để cho vợ hoặc chồng, con cái, người thân trong gia đình, dòng họ đứng tên. Vậy thì quy định chỉ kê khai tài sản của người có chức quyền sẽ không mang lại hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng.
Cho nên, khi đã xác định hình thức kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng thì phải mở rộng đối tượng kê khai. Nếu như con của một ông quan đứng tên một biệt thự thì hỏi tiền đâu ra để mua? Chắc chắn một cậu nhóc đang đi học hoặc sinh viên mới ra trường không thể có tiền để mua biệt thự vài chục tỷ đồng. Tài sản đó dứt khoát “không chính chủ”, vậy thì chủ của nó là ông quan bố chứ còn ai nữa.
Hoặc, bà vợ và tiểu thư của quan nhân chẳng làm gì ngoài ăn rồi đi shopping, nhưng đứng tên cổ phần rất lớn của một doanh nghịêp nào đó, xin hỏi phu nhân tiền đâu để mua cổ phần? Quan bà hoặc tiểu thư sẽ ấm ớ ngay vì nuôi lợn không thể có được cả nhiều tỷ đồng, rõ ràng số tiền đó “không chính chủ”, vậy chính chủ là ai? Chuyện này quá phổ biến, sờ sờ trước mắt.
Hóa ra, “không chính chủ” trong tài sản, tiền bạc vẫn là điều cần phải soi cho thấu, làm cho rõ. Chuyện cần làm như thế không làm, mất thời gian đi bắt xe máy hay kiểm tra chó, mèo “không chính chủ”.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.