Không có chuyện như Formosa nếu thấm nhuần nguyên tắc lợi ích dân tộc

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 04/09/2016 06:30 AM (GMT+7)
"Ở góc độ làm ăn kinh tế, khi chúng ta đưa lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất kiểu nói “hậu quả rất nặng nề nhưng rà soát lại cái gì cũng đúng quy trình, đúng luật... Nếu như nguyên tắc lợi ích dân tộc mà được thấm nhuần từ trước, thì chưa chắc chúng ta mắc vào những chuyện như Formosa..."
Bình luận 0

GS-TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt.

“Lợi ích dân tộc là tối thượng”

Nhắc đến Cách mạng Tháng Tám (CMT8), chúng ta đã đánh giá và rút ra nhiều bài học quý giá. Nhưng với tình hình đất nước hiện nay, theo GS đâu là những bài học cần thiết nhất để vận dụng trong thực tiễn?

- Sự thành công của CMT8 (1945), ngoài những bài học chúng ta đã đúc kết thành kinh điển để đưa vào sách giáo khoa, sách chuyên khảo, tài liệu học tập từ mấy chục năm nay, xuyên qua những bài học đã nói, tôi thấy có 3 bài học rất có ý nghĩa với giai đoạn hiện nay của đất nước.

Bài học thứ nhất là lợi ích dân tộc là số một, là tối thượng. Thứ hai là sức mạnh của nhân dân, thứ ba là sự đoàn kết.

Nói đến lợi ích dân tộc, chúng ta nhớ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thời kỳ khủng hoảng về phương hướng của chúng ta đã chấm dứt. Chính Đảng đã hướng lực lượng yêu nước vào một khối chung để đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Thế nhưng ở giai đoạn đầu, thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc chưa phải là số một mà là giành chính quyền. Cần  phải hiểu đây là hai chuyện khác nhau, mục tiêu giành độc lập và giành chính quyền có khi là một nhưng có khi không phải là một. Cách mạng của chúng ta lúc đó kết hợp cả việc phản đế và phản phong (đế quốc và phong kiến). Vì thế lực lượng cách mạng lúc đó chỉ quan tâm đến giai cấp nông dân và công nhân. Liên minh công - nông được coi là thực thể đủ mạnh để giành chính quyền.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xã nông thôn mới Nam Giang (Nam Đàn, Nghệ An). ảnh: Quang Hiếu

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh sau đó bị thất bại. Bài học kinh nghiệm rút ra là không thể một lúc gộp hai đối tượng vào để đấu tranh cùng lúc. Lực lượng cách mạng chỉ có công - nông thì không đủ sức. Như vậy sẽ làm cho địa chủ quay mặt, phú nông chống đối, đặc biệt là trí thức không thấy mình có vị trí nào trong cuộc đấu tranh này. Chính vì thế phong trào nhanh chóng bị dìm trong bể máu...

"Vừa rồi trong bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói ý rất hay là Chính phủ phải tiết kiệm từng đồng thuế của dân. Ý nghĩa sâu xa là ở chỗ Chính phủ phải hiểu là sống và hoạt động bằng đồng tiền thuế của dân, chứ không phải lấy tiền ở đâu ra để cho dân. Ngay cả việc Nhà nước thay mặt dân để đi vay nợ nước ngoài, người trả cũng là nhân dân, chứ không phải là người lãnh đạo hay cơ quan nào”.
TS – TSKH Vũ Minh Giang

Cho đến trước CMT8, lúc đó những người lãnh đạo cách mạng - đứng đầu là Hồ Chủ tịch - đã nhận ra rằng cần tập trung vào việc quan trọng nhất: Đó là lợi ích dân tộc phải là số một, tất cả lực lượng của dân tộc cùng nhằm mục tiêu đó.

Như chúng ta đã thấy, khi đặt lợi ích dân tộc lên số một thì cách mạng chỉ hướng vào một điểm tập trung, vì thế đã thành công rất nhanh chóng. Có thể nói đây là bài học rất lớn và quý báu, phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu.

Vậy thưa GS, vì sao ông cho rằng vấn đề lợi ích dân tộc là bài học hết sức quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay?

-Đã có thời kỳ khi chúng ta giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là sau 30.4.1975, non sông thu về một mối, chúng ta tưởng nhiệm vụ giành độc lập thế là xong, giờ chỉ củng cố, xây dựng kiến thiết đất nước... Thế nhưng nguy cơ lại hiện ra, khi chúng ta phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam rồi đến cuộc chiến biên giới phía Bắc. Hóa ra ở vào một vị trí địa chính trị như nước ta, giống như cha ông thuở trước, chúng ta khó có thể yên ổn trước sự dòm ngó của nhiều nước khác.

Mới đây, chúng ta đã đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII một trong những nguyên tắc quan trọng là phải coi lợi ích dân tộc là số một. Có một thực tiễn là chúng ta đang phải đứng trước nguy cơ độc lập dân tộc có thể bị xâm hại, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, lợi ích quốc gia có thể bị nhòm ngó. Và nếu chúng ta nhớ lại bài học của CMT8 - khi Hồ Chủ tịch đưa lợi ích dân tộc lên số một - thì tự nhiên thế và lực của chúng ta sẽ được tập trung sức mạnh, ý chí và khó khăn sẽ được giải quyết.

Ở góc độ làm ăn kinh tế, khi chúng ta đưa lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất kiểu nói “hậu quả rất nặng nề nhưng rà soát lại cái gì cũng đúng quy trình, đúng luật...”.

Có một nguyên tắc rất quan trọng chưa được đưa ra mặc dù đâu đó trong số những người có trọng trách đã nghĩ tới, đó là khi làm hay quyết định vấn đề gì đó cần phải nghĩ ngay xem nó có xâm phạm đến lợi ích dân tộc hay không? Nếu như nguyên tắc lợi ích dân tộc mà được thấm nhuần từ trước, thì chưa chắc chúng ta mắc vào những chuyện như Formosa...

Dấu hiệu không lành

Nói đến niềm tin và sức mạnh của nhân dân, dường như thời gian qua mối quan hệ giữa chính quyền và người dân không còn keo sơn như trước. Như vậy, bài học này càng có thêm giá trị thực tiễn, thưa GS?

- Sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của nhân dân là quyết định, đây là bài học không mới. Thời Nhà Trần, Hưng Đạo Vương từng nói "chúng chí thành thành", nghĩa là ý chí của dân chúng là thành lũy để giữ nước. Cho nên thời Trần không thấy có thành cao hào sâu gì nhiều, cha ông ta vẫn lập nên những chiến công hiển hách chống ngoại xâm. Còn bài học trái ngược ngay sau đó, Hồ Quý Ly cho xây thành trì kiên cố, có súng thần công bảo vệ nhưng không có được lòng dân nên khi giặc Minh tấn công chỉ cầm cự chưa được 6 tháng, cả vua tôi đều bị giặc bắt.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đến nay lực lượng vũ trang của chúng ta đang ngày càng được xây dựng hiện đại, với tàu ngầm, tên lửa, máy bay... để bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng dường như ở một vài nơi, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân đang có dấu hiệu xa cách, thậm chí có nơi việc xa cách tới mức dân phản ứng lại chính quyền, đây là dấu hiệu không lành.

Tại sao khi bước vào nhiệm kỳ mới này, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều nói rất nhiều đến vấn đề quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Suy nghĩ sâu xa hơn có thể thấy chúng ta làm cuộc CMT8 là xây dựng một thiết chế dân chủ, cộng hòa. Dân chủ nghĩa là nhân dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Thế nhưng cái đó đi vào thực tế vẫn còn một khoảng cách.

Hố bom và đường băng...

Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian gần đây có nhiều hoạt động, việc làm thể hiện sự gần dân phải chăng chính là động thái giúp mối quan hệ giữa chính quyền và người dân tốt hơn, thưa GS?

- Luôn có hai cách tiếp cận, tiếp cận thứ nhất là tiếp cận hình thức. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói nhiều đến dân, nói nhiều đến mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, đó cũng biểu hiện những vị lãnh đạo mới đã ý thức được sâu sắc hơn tầm quan trọng của nhân dân, tầm quan trọng của mối quan hệ tốt giữa nhân dân với chính quyền.

Ở mặt thứ hai cũng ở tiếp cận hình thức đó là có vấn đề chứ không phải tự nhiên nói như vậy. Vấn đề đó là gì, trong thời gian dài ở cấp này, cấp kia, cán bộ chỗ này, chỗ khác đã có những vi phạm dân chủ làm mất lòng tin của người dân với chính quyền. Thậm chí có không ít cán bộ lợi dụng chức quyền để vụ lợi cá nhân, đục khoét... Việc các lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói nhiều đến vấn đề này là từ nguyên do như vậy.

Ở góc độ tiếp cận nội dung, tôi nghĩ những vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau Đại hội Đảng lần thứ XII muốn đất nước lành mạnh hơn, khỏe khoắn hơn, tập trung được sức mạnh nhiều hơn để bước vào giai đoạn thử thách lớn hơn.

Giai đoạn đất nước hội nhập sâu hơn với thế giới chính là thử thách cần có sự chuẩn bị thật tốt mới có thể vượt qua được, thưa GS?

- Tôi đã từng nói, từ năm 1986 cho đến nay chúng ta phải làm quá nhiều việc do quá khứ để lại. Tôi dùng hình ảnh là chúng ta phải san lấp hố bom (tức giải quyết hậu quả của chiến tranh), rồi làm đường băng trên những hố bom vừa được lấp (tức là xây dựng cơ sở hạ tầng), rồi chúng ta có ý tưởng mua sắm máy bay hiện đại (nghĩa là trang bị thiết bị kỹ thuật mới), rồi đào tạo phi công (nghĩa là đào tạo nhân lực) và chạy thử trên đường băng.

Trong 30 năm qua chúng ta đã làm như thế, từ đây chúng ta mới cất cánh. Việc cất cánh là một giai đoạn mới. Có thể chúng ta bay lên bầu trời cao, cũng có thể không thành công.

Việc các vị lãnh đạo nói nhiều đến nhân dân, có những hành động quyết liệt là muốn bồi bổ cho cơ thể đất nước lành mạnh hơn, cường tráng hơn để có thể cất cánh được. Còn nếu cơ thể rệu rạo thì có muốn mấy cũng không thể cất cánh được.

Xin cảm ơn GS (!) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem