Thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký (ảnh IT).
Mỹ -Triều có thể tiếp tục ở cấp thấp hơn
TS Nguyễn Việt Phương nói: Lúc đầu tôi bất ngờ về kết quả của Thượng đỉnh Mỹ -Triều, nhưng sau khi nghe cuộc họp báo của Tổng thống Donald Trump thì thấy là hợp lý. Bởi vì cách ông Trump từ chối đưa ra tuyên bố chung với phía ông Kim Jong-un vì không muốn bỏ lệnh cấm vận, tôi cho rằng điều đó sẽ rất được lòng công chúng trong nước.
TS. Nguyễn Việt Phương nhìn nhận có thể sẽ có đàm phán cấp thấp hơn giữa Mỹ và Triều Tiên (Ảnh IT)
Vẫn theo TS Nguyễn Việt Phương, trong cuộc họp báo Tổng thống Trump nhiều lần nhắc lại rằng chưa có ý định cho việc đàm lần thứ 3 giữa Mỹ và Triều Tiên, vì vậy chắc chắn đàm phán cấp cao sẽ khó có thể tiến triển hơn. “Tuy nhiên ông Trump tái khẳng định việc Triều Tiên đồng ý không thử thêm tên lửa và chương trình hạt nhân và Mỹ không tăng thêm cấm vận vẫn là dấu hiệu tích cực. Điều này cho thấy hai bên hoàn toàn có thể tiếp tục làm việc ở cấp thấp hơn”, TS Phương cho biết.
Nhìn nhận về nguyên nhân không đạt kết quả khả quan sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, TS Nguyễn Việt Phương cho rằng: Có thể việcTriều Tiên quá cứng rắn trong quan điểm về dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn là điểm mấu chốt dẫn đến thất bại của hội nghị lần này.
“Muốn khai thông bế tắc để đi đến tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, có lẽ CHDCND Triều Tiên cần có cách tiếp cận tích cực hơn, ví dụ đồng ý về lộ trình nới lỏng cấm vận từng phần để đổi lấy việc khai báo và phá hủy chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa”, TS Phương nói.
Có thể Mỹ - Triều sẽ ký kết trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi: Vấn đề vũ khí hạt nhân là xương sống của Triều Tiên, vậy họ vẫn cần giữ lại để đảm bảo an ninh và thế mạnh trong đàm phán?, TS Nguyễn Việt Phương cho rằng: Triều Tiên cần giữ lại vũ khí hạt nhân, nhưng có thể duy trì ở mức hạn chế, vừa đủ mang tính răn đe, còn nên dỡ bỏ, phá hủy phần còn lại để đổi lấy việc nới lỏng cấm vận.
Tổng thống Donald Trump dời Hà Nội về nước sau chiều 28.2 (ảnh IT).
“Thế mạnh của việc duy trì chương trình hạt nhân lớn trong đàm phàn rõ ràng không hiệu quả, thể hiện qua việc Tổng thống Donald Trump sẵn sàng bỏ đàm phán vì điều kiện đòi bỏ hoàn toàn cấm vận của Triều Tiên. Về phía Mỹ, họ vẫn có thể "xuống nước" bằng những động thái nới lỏng cho hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong các lĩnh vực như viện trợ nhân đạo, mở lại đường sắt liên Triều, mở lại chi nhánh ngân hàng của Hàn Quốc ở Triều Tiên,.... để hai bên đi tới kết quả tiến bộ hơn trong tương lai”, TS Phương nói.
Nhìn nhận về việc này, GS Hà Tôn Vinh (một người sống lâu năm ở Mỹ), không bất ngờ lắm về kết quả thượng đỉnh Mỹ -Triều. “Khi đi vào đàm phán hai bên đều muốn kết quả có lợi nhất cho mình. Phía Triều Tiên là dỡ bỏ cấm vận là quan trọng nhất, còn phía ông Donald Trump điều quan trọng nhất là Triều Tiên phải bỏ tất cả hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân. Việc này Triều Tiên cũng đã bỏ một số, nhất là trung tâm lớn thử hạt nhân đã được bỏ.
GS Hà Tôn Vinh cho biết ông không bất ngờ về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (Ảnh IT)
Tuy nhiên chúng ta cần nhìn vấn đề rộng ra sẽ thấy. Vấn đề phía ông Kim Jong-un ở chừng mực nào đó đơn giản hơn, ông chỉ cần được dỡ bỏ cấm vận, chấm dứt chiến tranh để Triều Tiên và Hàn Quốc có thể nối lại ngoại giao và đi tới những tiến bộ lớn hơn. Còn phía ông Donald Trum ở chừng mực nào đó phức tạp hơn.
Thứ nhất Hạ viện Mỹ đang thuộc Đảng Dân chủ, mọi việc làm của ông Trump (ông Đảng Cộng hòa) đều bị “soi”. Trước khi ông sang Việt Nam dự thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2, báo chí Mỹ và dân biểu đều nói lần này có thể ông Trump sẽ nhượng bộ nhiều vì ông muốn thành công, muốn chứng tỏ cho mọi người thấy ông có khả năng. Nhưng kết quả thượng đỉnh cho thấy ông Trump không phải là người dễ dàng nhượng bộ, không vì quyền lợi cá nhân”, GS Hà Tôn Vinh nói.
Ông phân tích thêm, khi hai bên chưa có thỏa thuận rõ thì chưa cần phải đi đến ký kết mà có thể để một thời gian. “Thượng viện, Hạ viện và Tổng thống Mỹ sẽ bầu lại vào tháng 11.2020, dịp đó ông Trump muốn thắng cử (nếu tiếp tục tranh cử) và muốn Đảng Cộng hòa thắng thì ông phải làm gì. Trong tiềm thức và trong tính toán của những người trong Đảng Cộng hòa có thể họ cho rằng nên để việc ký kết với Triều Tiên để đến đầu năm 2020 hoặc giữa năm 2020, lúc đó nó sẽ tạo ra tác động lớn hơn cho cuộc bầu cử”, GS Hà Tôn Vinh nói cho rằng vấn đề trên không phải nói thay cho ông Trump nhưng là điều khiến ông suy nghĩ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.