Không đầu tư nguồn lực, khó giảm được đuối nước

Thuỳ Anh (thực hiện) Thứ bảy, ngày 23/03/2019 06:30 AM (GMT+7)
Đó là quan điểm của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước trẻ em trong thời gian qua.
Bình luận 0

img

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Thưa ông, liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, khiến nhiều trẻ em tử vong, nguyên nhân vì đâu dẫn tới tình trạng này?

- Dù chưa vào mùa cao điểm mưa bão nhưng thời gian qua đã có rất nhiều vụ đuối nước. Nhiều vụ trong số đó làm 2-3, thậm chí là 8 trẻ em cùng tử vong như vụ đuối nước ở Hòa Bình.

Nếu truy tìm nguyên nhân của vụ việc, ta có thể thấy, có khá nhiều nguyên nhân. Ngày 21.3, tôi cùng đoàn công tác có tới thăm hỏi, chia buồn với các gia đình có trẻ tử vong do đuối nước ở Hòa Bình thì thấy hầu hết các em đều biết bơi. Tuy các em biết bơi, nhưng thiếu kỹ năng bơi lội nên dù thấy vùng nước sâu, xoáy, các em vẫn xuống bơi. Ngoài ra, một nguyên nhân cực kỳ quan trọng nữa là do thiếu sự giám sát của gia đình, nhà trường. Dù bố mẹ có nói là buổi trưa, sau giờ học họ vẫn gặp con nhưng đến chiều con đi bơi mà không biết.

img

Trung tâm Unesco Tư vấn và Truyền thông quốc tế (UCCIC)  tập huấn kỹ năng cấp cứu đuối nước cho trẻ em TP.Điện Biên Phủ.  T.L

Ngoài hai nguyên nhân kể trên, tôi cho rằng cũng có một nguyên nhân khá quan trọng, đó là thiếu sự giám sát của cộng đồng. Chính vì không có sự giám sát của cộng đồng, thiếu những biển báo cấm tắm ở khu vực nguy hiểm, không có người nhắc nhở… nên các cháu mới tự do bơi lội dẫn tới tai nạn thương tâm.

Vậy thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để phòng, chống tai nạn đuối nước một cách hiệu quả hơn?

- Theo tôi, thời gian tới ngoài những giải pháp đã và đang triển khai như tổ chức lớp dạy bơi thì cần phải đẩy mạnh việc dạy thêm kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ. Tiếp đó là tăng cường sự giám sát của nhà trường và gia đình với trẻ. Thực hiện nhắc nhở thường xuyên về việc phòng tránh tai nạn đuối nước.

Ngoài ra, cần in các tờ rơi, bảng biểu cảnh báo, yêu cầu các em dán lên góc học tập, trong lớp học để trẻ khắc ghi không được quên lãng về việc cần thiết phải cảnh giác với tai nạn đuối nước. Nhà trường có thể đưa nội dung này vào nhắc nhở thường xuyên trong buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt dưới cờ… Thêm vào đó, cần huy động sự vào cuộc, giám sát của cộng đồng. Từ đó để người dân thường xuyên để ý, cảnh báo nếu thấy trẻ em bơi lội ở nơi không an toàn. Thậm chí, có thể phải tính tới việc cử người thường xuyên trông coi ở những địa điểm nguy hiểm.

Trong rất nhiều giải pháp đó, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ, quan trọng nhất giúp đẩy lùi tai nạn đuối nước?

- Trong đề án giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2020-2030 đã đề ra rất nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có giảm thiểu tai nạn đuối nước. Thế nhưng, thực tế việc thực hiện còn gặp nhiều hạn chế. Giải pháp có nhiều nhưng nguồn lực, kinh phí không có thì các giải pháp ấy vẫn chỉ nằm trên giấy. Để giảm đuối nước các địa phương cần đầu tư để dạy bơi, dạy kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ. Ngoài ra phải đầu tư làm logo, tờ rơi để truyền thông, rồi đầu tư làm biển báo, đầu tư xây kè kênh mương, xây bể bơi… Như vậy, nếu không đầu tư thì không thể giảm được đuối nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem