Không để đục nước béo cò

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ Thứ hai, ngày 20/04/2020 09:30 AM (GMT+7)
Hà Nội  đã yêu cầu rà soát lại việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 do có dấu hiệu khai khống, tăng giá. Người dân tin tưởng vào chủ trương của Đảng bộ và Chính quyền thành phố để có thể đảm bảo sự minh bạch, đảm bảo nguồn lực cho phòng chống dịch Covid-19. 
Bình luận 0

Trong kháng chiến chống Pháp, một cán bộ lãnh đạo quân đội tên Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, đã tham ô tài sản quân đội, ăn bớt tiền quần áo, trang bị, như yếu phẩm của binh sĩ , ăn chơi xa xỉ... bị đích thân Bác Hồ đau xót ra quyết định xử lý. Một đại tá bấy giờ cấp hàm như vậy rất ít, mà vẫn bị Tòa án quân sự tuyên án nghiêm, với án tử. Bác Hồ đã giữ nghiêm phép nước, kí án tử, phủ định đơn Trần Dụ Châu kháng án. Bởi khi loạn lạc, ngân quỹ quốc gia nghèo nàn, cả nước nhịn ăn đánh giặc Pháp, tiến hành cuộc chiến giành độc lập dân tộc, kẻ ăn chặn, tham ô của anh em binh sĩ, của người ra trận bị coi là kẻ là tàn nhẫn nhất.

Với đại dịch Covid-19 hiện tại, Chính phủ đã, đang coi như chống giặc thì đủ thấy hậu quả của dịch có thể kinh hoàng đến mức nào, nguy cơ dịch đe dọa đến những thành quả kinh tế xã hội lâu nay ra sao. Vì vậy, nếu có sự mờ ám trong việc mua trang thiết bị cho ngành y để chống dịch thì người thực hiện những hành vi đó tàn nhẫn không kém gì Trần Dụ Châu. 

Gia đình em vợ tôi có hai vợ chồng đều làm ngành Y. Cô vợ tiến sĩ học từ Nhật về, làm ở Viện nghiên cứu virus, ngày ngày đi lấy mẫu virus ở bệnh nhân, chồng bác sĩ nam khoa vẫn đêm ngày khám bệnh. Nguy cơ lây nhiễm cao, thì việc bảo đảm sức khỏe, thậm chí mạng sống cho hai em tôi liên quan chặt chẽ mật thiết với trang thiết bị bảo hộ, vốn không rẻ của ngành Y.

Họ có hai con nhỏ, 6 tuổi và 2 tuổi và, đành phải gửi chúng ở nhà ngoại. Thăm con thoáng chốc mỗi khi tan làm, rồi ngày lại ngày  trở về nhà mình, vợ chồng em tôi tự giãn cách với chính các con mình đã hơn hai tháng nay. Sự hy sinh ấy của hai em tôi cũng như hàng vạn người trên tuyến đầu của cuộc chiến không tiếng súng này luôn làm trái tim tôi đau nhói. Thương các chiến binh áo trắng quá đi!

Bạn bè tôi ở VOV, báo Dân Việt, các cơ quan báo chí khác, nhiều phóng viên đã phải ngày đêm bám tất cả các ổ dịch, các hoạt động chống dịch trên cả nước. Họ vừa thông tin kịp thời cho Đảng, Nhà nước, vừa truyền tải các nỗ lực tốt đẹp trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình cho nhân dân an tâm làm theo khuyến dụ của ngành Y tế, chấp hành chỉ thị 16 của Thủ tướng nhằm thắng dịch giai đoạn II. Họ, những chiến binh truyền thông dũng cảm ấy, cũng cần mọi thiết bị bảo hộ khi đi tác nghiệp thực tế.

img

 Nhân viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Hà Nội) tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: TTXVN.

Trang thiết bị cho ngành y có thể ví như vũ khí chiến đấu, hoặc như lá chắn bảo vệ chiến sĩ ra trận. Nó góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ sinh mạng các “chiến binh”, quyết định thành bại trong cuộc chiến không tiếng súng này. Tôi nghe chuyện anh em bám đời sống, chuyện em vợ tôi, chuyện bè bạn tôi, đội ngũ y tế ở Bạch Mai, Xanh Pôn  hay các bệnh viện khác, đội ngũ chiến sĩ công an quân đội tham gia chống dịch mà nhiều khi xúc động trong đêm và đầy thương yêu cảm kích họ.

Nên tôi đang rất trông đợi vào kết quả kiểm tra của chính quyền Hà Nội liên quan đến việc mua bán thiết bị phòng chống dịch. Tôi thật sự  hy vọng không có sự nhập nhèm nào. Còn nếu có, đó là sự vô tri trước hàng vạn chiến binh ngành Y, công an, quân đội, báo chí đang xông pha ở tuyến đầu của cuộc chiến với con virus nguy hiểm.

Đất nước còn nghèo, bao khó khăn chất chồng khi dịch diễn biến quá phức tạp. Đảng và Nhà nước đã huy động, tổng động viên mọi nguồn lực bảo đảm cho công cuộc chống dịch đạt tới kết quả như hôm nay. Nỗ lực ấy đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, ai ai cũng cố sức đồng tâm cùng Đảng và Nhà nước mau chóng dập dịch để  100 triệu con người Việt sớm trở lại cuộc sống bình thường, phục hồi kinh tế đất nước và muôn nhà. 

Vì thế nếu có sự tiêu cực nào tức là chống lại nguyện vọng của Nhân dân, đất nước, chống lại Đảng và Nhà nước, vô lương tâm với Hà Nội yêu dấu của chúng ta.

Hàng vạn người đã bỏ tiền tiết kiệm ra góp vào chống dịch. Nhà nước đã quyết định chi hàng chục nghìn tỉ đồng trợ cấp cho 20 triệu người khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Mỗi cán bộ công chức, mỗi người phải là bánh xe tốt trong guồng máy vận hành chống dịch của Hà Nội. Những kẻ nào đã "đục nước béo cò, mượn gió bẻ măng", trong lúc này, khi phát hiện ra, rất đáng lên án, trừng trị thích đáng.

Người dân hoan nghênh chủ trương của Thành ủy, chính quyền thành phố về việc mau chóng điều tra, xác định trắng đen việc này.

Ông chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid -19, Thành ủy, Bí thư Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch. UBND TP cũng đã yêu cầu thanh tra thành phố vào cuộc từ sớm.

Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid -19 TP là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm; không nương nhẹ với trường hợp nào. “Trong dịch bệnh mà có các trường hợp này sẽ là những tình tiết tăng nặng", Chủ tịch UBND TP đã nói như vậy.

Chỉ có nghiêm khắc mới có thể tiếp tục củng cố lòng tin của dân chúng với quyết tâm của Đảng và Nhà nước xây dựng xã hội tử tế. Nhân dân luôn cùng Đảng và Nhà nước quyết đẩy lùi tiêu cực tham nhũng và ủng hộ sự minh bạch, trách nhiệm. Quan điểm đó của lãnh đạo Đảng và chính quyền Hà Nội, chính là ý Đảng, hợp tròn trịa với lòng dân.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem