Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, do Bộ Chính trị đã tổ chức sáng 2.2 ở Hà Nội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ 3 từ trái) trao đổi với các đại biểu
tham dự hội nghị. Ảnh: VOV
Đảm bảo cuộc bầu cử tiến hành dân chủ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị lần này quán triệt tinh thần đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Tổng Bí thư cho biết thêm, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân khóa 2016 -2021 là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
“Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong năm 2016. Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Chỉ thị số 51 ngày 4.1.2016, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm...” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
ĐBQH phải là người kiên quyết chống tham nhũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày Chủ nhật 22.5.2016.
|
Đề cập về tiêu chuẩn ĐBQH khóa XIV ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng cho biết: Người ứng cử ĐBQH phải đảm bảo các tiêu chuẩn của một ĐBQH quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội như có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác...
Người ứng cử ĐBQH đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5.1961, nữ sinh từ tháng 5.1966 trở lại đây).
“Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; người đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết..." - Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng Phạm Minh Chính cho biết.
Về tiêu chuẩn chung của đại biểu Hội đồng nhân dân cũng giống như quy định với ĐBQH.
Theo Nghị quyết 1135/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV: Số ĐBQH khóa XIV ở T.Ư là 198 người chiếm hơn 39%, số ĐBQH ở địa phương 302 người chiếm hơn 60%. Dự kiến số ĐBQH ngoài Đảng từ 25 -50 đại biểu; đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) khoảng 50; đại biểu tái cử khoảng 160; đại biểu là người dân tộc thiểu số phấn đấu trúng cử ít nhất 90 (bằng 18% tổng số ĐBQH); đại biểu nữ phấn đấu trúng cử ít nhất 150 (bằng 30% ĐBQH). Về số lượng ĐBQH, theo dự kiến Hà Nội và TP.HCM là 30 đại biểu/địa phương, tỉnh có số lượng đại biểu thấp nhất là 6 người.
Dự kiến cơ cấu trong 500 đại biểu Quốc hội:
-25-50: Là số đại biểu ngoài Đảng.
- 50: Là số đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi)
- 160: Là số đại biểu tái cử.
- 90: Là mục tiêu phấn đấu số đại biểu người dân tộc thiểu số.
- 150: Là mục tiêu ít nhất về số đại biểu nữ trúng cử.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.