Không để người lao động phải đi đến con đường rút bảo hiểm xã hội một lần

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 27/03/2024 18:44 PM (GMT+7)
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh đề xuất, ngay khi người lao động phát sinh vấn đề cấp bách hoặc đau ốm, cần phải được hỗ trợ tín dụng ngay, không để họ phải đi đến con đường rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bình luận 0

Chiều 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Trường hợp bất khả kháng mới cho rút BHXH một lần 

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, rút BHXH một lần là câu chuyện lớn, và đại biểu cơ bản ủng hộ Phương án 1. 

Không để người lao động phải đi đến con đường rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 1.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, bà Hạnh đề nghị khi xem xét rút BHXH cần quy trình đánh giá thêm việc rút BHXH một lần đã thực sự đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa, nếu thấy thật sự không còn con đường nào khác, thì sẽ quyết định cho, hay không cho rút BHXH một lần.

Hiện nay dự thảo luật chỉ quy định chính sách hỗ trợ tín dụng cho người lao động trong thời gian đóng BHXH bị mất việc làm. Song mục đích của chính sách tín dụng là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, không nhất thiết chờ đến khi người lao động mất việc làm mới được hỗ trợ.

"Ngay khi người lao động phát sinh vấn đề cấp bách hoặc đau ốm, cần phải được hỗ trợ tín dụng ngay, không để họ phải đi đến con đường rút bảo hiểm một lần", bà Hạnh góp ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng nghiêng về phương án 1. Theo bà, phương án này sẽ giúp cho người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu thời gian đóng BHXH. Thông qua tuyên truyền, vận động, người lao động có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy, giúp họ có đủ điều kiện hưởng chế độ lâu dài, đặc biệt là hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế.

Đề nghị Quốc hội cân nhắc thời điểm thông qua luật

Ngược với quan điểm của đại biểu Hạnh và đại biểu Sửu, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhất trí với Phương án 2, đồng thời đề nghị bỏ quy định sau 12 tháng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm xuống còn 15 năm như sau: Không thuộc diện tham BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện, thời gian đóng chưa đủ 15 năm mà người lao động có nhu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

"Việc đưa ra thời hạn 12 tháng chờ như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người lao động khi cần tiền trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt, gây khó khăn cho cơ quan quản lý kiểm soát. Đồng thời, việc giảm thời gian từ chưa đủ 20 năm xuống chưa đủ 15 năm sẽ phù hợp với điều kiện hưởng lương hưu mới như dự thảo Luật", đại biểu Thắng nói. 

Không để người lao động phải đi đến con đường rút bảo hiểm xã hội một lần- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cũng ủng hộ phương án 2. 

Bà Ry cho rằng phương án 1 tạo mất công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực. Cả nước có khoảng 17 triệu người - khoảng 38% lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm.

"Chúng ta không có gì đảm bảo rằng nhóm này sẽ không tiếp tục rút bảo hiểm một lần. Trong khi người bắt đầu tham gia từ sau ngày 1/7/2025 lại không được rút một lần", bà Ry nói.

Nhắc lại quan điểm của Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 là quy định phù hợp để giảm rút bảo hiểm một lần theo hướng tăng quyền lợi, bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu trí, đại biểu Ry đánh giá phương án 2 sát với quan điểm này hơn.

Ngoài ra, tình trạng rút BHXH một lần nhiều nhất là giai đoạn dịch Covid-19, người lao động cần tiền để giải quyết vấn đề cuộc sống trước mắt. Vì vậy, bà cho rằng phương án cho rút 50% là hợp lý hơn cả, giúp người lao động được ở lại hệ thống, giúp họ có khoản tiền để giải quyết vấn đề trước mắt kèm theo các chính sách hỗ trợ tín dụng. 

Bà Trần Thị Hoa Ry đề nghị Quốc hội cân nhắc thời điểm thông qua luật vì còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc thông qua BHXH sửa đổi vào kỳ họp 7 tháng 5 tới đây và nên tính toán thông qua luật sau khi thực hiện cải cách tiền lương (1/7/20224).

Theo bà Thúy, cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó, phức tạp, tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, nhóm hoạt động khác nhau trên toàn xã hội. Do đó, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh nếu có cho phù hợp với thực tiễn.

"Cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật BHXH trước hay sau cải cách tiền lương cho phù hợp, khả thi, tránh vừa thông qua luật lại phải rà soát, sửa đổi ngay", bà Thúy đề nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem