Nhà nước chủ trương xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện các chương trình nghệ thuật có chất lượng, nhằm góp phần nâng cao thẩm mĩ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Đây cũng là chỗ dựa cho các đơn vị muốn tiến vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật – vốn cũng hiếm hoi hiện nay.
Nhưng thực hiện cho được cũng không phải dễ. Bài toán muôn thuở của những đơn vị bỏ kinh phí ra thực hiện các hoạt động, sự kiện nghệ thuật, nhất là các chương trình mang tính chất cộng đồng, đặt mục tiêu phục vụ là chính, vẫn là sự cân đối đầy nhọc nhằn, sao cho không lãi nhiều thì đã đành, nhưng phải đảm bảo thu về được một nguồn vốn nhất định để có thể quay vòng sản xuất.
Nhưng thường với các chương trình như thế, với quan điểm bất vụ lợi, phi lợi nhuận đặt lên hàng đầu thì việc đảm bảo quay vòng là hết sức khó khăn. Như việc bán vé cho các chương trình như vậy, vốn đã được “mặc định” là mang màu sắc kinh doanh nên nhiều khi là không được phép. Điều này khiến không ít đơn vị truyền thông, tổ chức sự kiện làm các chương trình cộng đồng bị lúng túng.
Đơn cử, Công ty cổ phần truyền thông Green Sun đang gặp trở ngại liên quan đến vấn đề này. Thời gian qua, Green Sun đang xin TP Hà Nội, Sở VHTT&DL, Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho thực hiện một hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng dịp kỷ niệm 1 năm Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản thế giới.
Chuẩn bị nhiều đầu việc, trong đó đã khá tốn kém về kinh phí cho các tiết mục nghệ thuật với một lượng nghệ sĩ đông đảo. Chưa kể thiết kế và dự tính lắp đặt hệ thống cơ sở vật chất sẽ dự kiến duy trì trong 3 ngày tại khu vực sân vận động trước Đoan môn Hoàng thành Thăng Long, cũng phụ thuộc vào toàn bộ chi phí tự túc.
Đang “mải mốt” lo xin tài trợ trong bối cảnh ngặt nghèo này, Chủ tịch HĐQT công ty – nhà thơ Trương Xuân Thiên cho biết: Chúng tôi mong được phép tổ chức một số gian hàng và bán vé với giá phải chăng cho công chúng vào tham quan, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật.
Hy vọng việc này khả quan, chứ thực tế rất khó trông vào nguồn tài trợ vì năm nay trong tình hình chung khó khăn, hầu như nơi nào cũng “đóng cửa. Có được phần nào như vậy thì mới đảm bảo bù lại một chút, vì chúng tôi phải tự lo toàn bộ, xác định phục vụ và khẳng định uy tín là chính chứ không thể thu lợi được từ hoạt động này”.
Muốn làm được văn hóa nghệ thuật cho “ra tấm ra món”, đối với các công ty như vậy quả không dễ. NSND Trọng Khôi – Nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN từng ngao ngán: Giá như các tập đoàn, các doanh nghiệp cũng nhiệt tình tài trợ cho văn hóa nghệ thuật, chỉ bằng một phần cho thể thao, bóng đá thôi, thì đã là tốt lắm!
Với tinh thần khuyến khích, động viên nhằm phát huy xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhà nước hay cụ thể là các địa phương, cơ quan quản lý có chức năng cần có thêm các động thái tích cực trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện chủ trương này một cách thiết thực.
Ví dụ như cùng với hỗ trợ phần nào về kinh phí, có thể tạo điều kiện nhất định về cơ chế, nhất là các chương trình đặt ra mục tiêu lớn nhất là phục vụ cộng đồng. Cũng như với những hoạt động, sự kiện mà qua khảo sát ban đầu, có thể cho thấy những đánh giá khả quan về chất lượng nghệ thuật và hiệu quả phục vụ công chúng.
Liên hoan sân khấu hài toàn quốc diễn ra tại Quảng Ninh vừa qua, theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN, có tới 3 đơn vị truyền thông, nghệ thuật tham gia cùng với Hội, tổ chức các đêm diễn bán vé phục vụ công chúng có nhu cầu, một phần kinh phí được sử dụng vào mục đích từ thiện.
Giới thiệu về hoạt động dự kiến sắp đươc thực hiện, nhà thơ Trương Xuân Thiên – Chủ tịch HĐQT Green Sun nói: Xác định làm đến cùng, chúng tôi đang quyết tâm thực hiện mọi khâu chuẩn bị. Nếu khó khăn quá, phải “co kéo” để làm cho xong thì tự mình thấy cũng không được phép! Có nguyện vọng nghiêm túc để thực hiện một chương trình văn hóa nghệ thuật quả không dễ như nhiều người vẫn nghĩ!
Dương Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.