Nạn nhân động đất Nepal phẫn nộ biểu tình chống lại chính phủ vì phản ứng yếu kém của các cơ quan chức năng sau thảm họa động đất.
Thủ tướng Nepal Koirala đã tới khu vực Basantapur hôm qua (29.4) để thị sát tình hình và gặp gỡ, động viên các nạn nhân động đất trong khu vực sau trong trận động đất mạnh 7,9 độ richter ngày 25.4. Tháp tùng ông là Tổng Tư lệnh quân đội Gaurav SJB Rana.
Tuy nhiên, nhiều nạn nhân động đất phẫn nộ vì 5 ngày sau thảm họa động đất kinh hoàng cướp đi mạng sống của hơn 5.000 người, Thủ tướng Koirala mới tới thực địa để xem xét tình hình, động viên và xoa dịu người dân. Một số người thậm chí không ngần ngại trút giận, thể hiện sự bất mãn của họ.
Thủ tướng Nepal Sushil Koirala bị người dân vây quanh để trút cơn phẫn nộ khi ông đi thị sát tại một khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Theo tờ báo địa phương
The Kathmandu Post, một nhóm người dân thậm chí còn ngăn cản Thủ tướng Koirala đến thị sát một số địa điểm bị động đất tàn phá bên trong khu vực Basantapur Durbar Square. Họ yêu cầu Thủ tướng và chính phủ của ông phải nhanh chóng tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch cũng như các nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người còn sống sót đang đối mặt với tình trạng đói ăn trầm trọng sau thảm họa.
Các nạn nhân động đất cũng yêu cầu chính phủ sớm khôi phục các di tích lịch sử cũng như các đền thờ cổ bên trong Basantapur đã bị phá hủy bởi động đất.
Cùng ngày, Thủ tướng Koirala cũng đến thăm bệnh viên Đại học Tribhuvan ở Maharajgunj và Bệnh viện Quân y ở Chhauni- nơi hàng nghìn nạn nhân động đất đang được điều trị.
Nhiều bệnh nhân và thân nhân của họ chỉ trích phản ứng yếu kém của chính phủ trong công tác khắc phục hậu quả thảm họa động đất và nhấn mạnh với Thủ tướng Koirala rằng, họ đang phải sống trong điều kiện thảm khốc, không có đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch cũng như các nhu yếu phẩm khác.
Người Nepal đang khóc bởi nỗi đau và sự mất mát mà họ phải gánh chịu sau thảm họa động đất.
Đáp lại, ông Koirala đảm bảo rằng ông sẽ cố gắng để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của các nạn nhân động đất. Ông cũng chỉ thị các bác sĩ và nhân viên y tế trong các bệnh viện phải dành sự chăm sóc tốt nhất cho các nạn nhân động đất.
Một quan chức Nepal cho biết, tính đến đêm qua (29.4), số người thiệt mạng vì động đất đã lên tới 5.238 và số người bị thương là gần 10.350 người. Ngoài ra, còn có hơn 80 nạn nhân thiệt mạng ở Ấn Độ và Tây Tạng.
Trước đó cùng ngày, hàng trăm người Nepal giận dữ, phẫn nộ đã kéo tới trước trụ sở quốc hội ở thủ đô Kathmandu để phản đối chính phủ khiến giới chức trách nước này phải triển khai cảnh sát chống bạo động để giữ an ninh, trật tự.
Các cuộc đụng độ, ẩu đả đã xảy ra ở thủ đô Kathmandu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất mạnh 7,9 độ richter ngày 25.4 giữa những người biểu tình quá khích với cảnh sát chống bạo động vì quá thất vọng trước phản ứng chậm chạp của chính phủ.
Một số người sau đó chiếm các nguồn tiếp tế nước uống đóng chai từ xe tải chờ đồ viện trợ tại thủ đô Kathmandu hôm 29.4. Một số người biểu tình chặn chiếc xe tải chở nước uống và leo lên thùng xe, ném các chai nước sạch cho đám đông. Những người khác mạng gậy gộc tràn vào các con phố, tấn công các xe bus cũng như những phương tiện khác.
Nhiều người biểu tình Nepal quá khích đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động
Tiếp đó, hôm nay ngày 30.4, hàng trăm người dân muốn rời khỏi thung lũng Kathmandu bị động đất tàn phá nặng nề nhưng không có đủ các phương tiện công cộng để đáp ứng nhu cầu của họ đã xông vào lục soát một quầy vé xe bus tại Gongabu.
"Chúng tôi nôn nóng muốn về nhà (tại các vùng nông thôn) để xem người thân có an toàn không và để đoàn tụ với gia đình mình. Chúng tôi đã đợi từ khi bình minh. Họ (Các nhà chức trách Nepal) thông báo với chúng tôi rằng, sẽ có 250 xe bus được triển khai. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy dù chỉ là một chiếc xe", Kishor Kavre, một sinh viên 25 tuổi cho hay.
Những người biểu tình yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Bam Dev Gautam từ chức vì không bận tâm đến yêu cầu chính đáng của người dân sau thảm họa động đất.
Thậm chí, người dân ở Sangachowk, cách thủ đô Kathmandu 3 giờ lái xe, một trong những khu vực bị động đất tàn phá nặng nề nhất còn phong tỏa đường quốc lộ bằng lốp xe, chặn 2 xe cứu trợ, chở lương thực bao gồm gạo và mì tới các nạn nhân động đất ở vùng nông thôn.
Sau đó, họ chặn tiếp một đoàn cứu trợ gồm 3 xe tải của quân đội, dẫn đến căng thẳng gay gắt với các binh sĩ áp tải hàng tiếp tế.
"Chúng tôi không được chính phủ phân phát chút thức ăn nào. Các xe tải chở gạo đi qua và chẳng có chiếc xe nào chịu dừng lại. Trụ sở của các huyện là nơi tập kết toàn bộ hàng viện trợ", Udhav Giri, 34 tuổi, một người dân địa phương cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.