Không nộp "thuế đường", bị phạt bao nhiêu?

Thứ bảy, ngày 05/01/2013 13:35 PM (GMT+7)
Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, theo quy định sau ngày 30.6.2013 nếu chủ xe ôtô không đến nộp phí thì lực lượng chức năng sẽ xử lý.
Bình luận 0

Nghị định 18/CP của Chính phủ và Thông tư 197 của bộ Tài chính cùng các văn bản của Bộ GTVT về việc thu phí bảo trì đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành được vài ngày. Ô tô nộp qua trạm đăng kiểm, còn xe máy, hầu hết HĐND các tỉnh thành phố chưa bàn tới, nên chưa thống nhất được mức thu và cách thu sao cho hợp lý. Tuy đã thực hiện thu, người dân cũng đã nộp, nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề thắc mắc xung quanh việc thu phí bào trì đường bộ.

img
Chủ phương tiện xếp hàng đăng kiểm, nộp phí bảo trì đường bộ

Ô tô không nộp phí có bị xử phạt ?

Đối với ô tô thực hiện việc nộp phí bào trì đường bộ qua mỗi lần đăng kiểm là phương thức rõ ràng, chặt chẽ. Từ ngày 1.1.2013, những xe ô tô đến hạn đăng kiểm phải thực hiện nghĩa vụ kiểm định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, đồng thời phải đóng phí bảo trì đường bộ tại lần đăng kiểm đó mới đủ điều kiện được lưu hành. Còn với những xe nào chưa đến hạn đăng kiểm thì chưa cần thực hiện quy định nộp phí bảo trì đường bộ cho đến khi xe đến hạn kiểm định.

Về mức xử phạt cũng quy định rõ: tại Nghị định số 71: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy; các loại xe tương tự môtô không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định”. Tuy nhiên, trong Nghị định 71, quy định xử phạt không bao gồm phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện. Như vậy, nếu chủ xe “quên” chưa nộp phí sử dụng đường bộ sẽ chưa bị phạt cho đến khi có quy định cụ thể về mức phạt.

Qua đó, mới đây, bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị bộ Công an đến ngày 30.6.2013, nếu chủ phương tiện nào chưa thực hiện nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị xử phạt. Như vậy, còn hơn 6 tháng nữa sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể đối với những xe đến hạn mà chưa thực hiện nộp phí bảo trì đường bộ.

Về mức đóng, nơi đóng: Ôtô dưới 9 chỗ đóng 130.000 đồng/tháng; xe tải, xe chuyên dùng cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng. Chủ xe đóng qua các lần đăng kiểm.

Xe máy chưa thu… nhưng sẽ bị truy thu ?

Trong Nghị định 18/CP quy định rõ: Đối với xe máy sẽ do phường, xã, tổ dân phố quản lý và thu. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết UBND, HĐND các tỉnh thành phố chưa xây dựng mức thu, phương thức, cũng như tỉ lệ để lại cho đơn vị thu phí cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Như vậy, người dân sử dụng phương tiện xe máy vẫn chưa phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo trì đường bộ cho đến khi HĐND tỉnh, thành phố ban hành quyết định về mức thu phí cụ thể.

img
Từ ngày 1.1.2013, ô tô phải có đủ 2 tem tiêu chuẩn mới được lưu hành

Về những thắc mắc xung quanh vấn đề thu phí như thế nào đối với xe máy, và cách thu ra sao, hiện nay Luật đã có hiệu lực nhưng chủ phương tiện xe máy chưa nộp có bị truy thu không ?

Vừa qua, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao GTVT, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết: “Trước mắt phải chấp hành đúng quy định. Còn trong quá trình thực hiện quỹ, nếu có vấn đề gì cần điều chỉnh thì sau 3-6 tháng bộ GTVT sẽ tổng hợp những bất cập, phát sinh. Sau đó, sẽ kiến nghị với Chính phủ nếu cần thì điều chỉnh lại”

Ông Trường cũng cho biết thêm, đối với xe máy, hiện tại lùi thời gian nộp phí bảo trì đường bộ, nhưng sau này sẽ truy thu kể từ ngày 1.1.2013 đến khi nào địa phương có quy định cụ thể.

Như vậy, đối với xe máy, việc thu phí sẽ có hai khả năng: một là, đơn vị phường, xã, tổ dân phố đến từng nhà kiểm tra xem mỗi gia đình có bao nhiêu xe, chính chủ hay không chính chủ để kê khai. Hai là, để dân tự kê khai, thì việc bỏ lọt xe là điều không tránh khỏi.

Nói về điều này, ông Trường cho biết nếu chủ phương tiện nào không nộp thì sẽ bị cảnh sát xử phạt. Tuy nhiên, có thể thấy, Luật Giao thông đường bộ cũng chưa có quy định bắt buộc người dân phải mang theo giấy tờ là biên lai đóng phí bảo trì đường bộ nên không thể xử phạt.

Qua những thực tế từ việc áp dụng chính sách về thu phí bảo trì đường bộ cho thấy, việc thực hiện thu phí bảo trì đường bộ một cách “vội vàng”, chưa có hệ thống đồng bộ, đồng loạt từ chính quyền các cấp, và chưa có những chế tài cụ thể sát với thực tiễn sẽ đặt ra câu hỏi cho người dân là đóng phí hay “trốn” không đóng, và đóng phí liệu có được hưởng những điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông hay không ?

Theo VOV Giao Thông
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem