Không phải "chiếc xe" nào cũng vào được “đường cao tốc” EVFTA
Không phải "chiếc xe" nào cũng vào được “đường cao tốc” EVFTA
Thanh Phong
Thứ hai, ngày 23/03/2020 14:58 PM (GMT+7)
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, để có thể tận dụng những lợi ích của hiệp định EVFTA, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu, tìm hướng kết nối tới “cao tốc Việt Nam – EU”.
Vào ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EU) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Dự kiến, từ thời điểm 1/7/2020, nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với EU, EVFTA sẽ chính thức được thực thi.
Sự kiện này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như "đường cao tốc quy mô lớn", giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân hai bên.
Tuy vậy, trong bối cảnh gặp khó khăn trên thị trường thế giới do những ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19 và các yếu tố bất lợi khác. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt chướng ngại trên "đường cao tốc" EVFTA nối Việt Nam với EU.
Nhằm đánh giá, phân tích nội dung trên, sáng 23/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm "EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU".
Tại buổi tọa đàm, ông Lương Hoàng Thái đánh giá, việc hiệp định đi vào thực thi sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuyển đổi, hướng tới các ưu đãi mang tính dài hạn hơn. Tuy nhiên, cần có sự định hướng rõ ràng trong việc thay đổi cơ cấu ngành hàng, tư duy, cách sản xuất, doanh nghiệp mới có thể kết nối được với "cao tốc Việt Nam – EU".
"Nếu ví Hiệp định EVFTA như một con đường cao tốc có thể hình dung nó sẽ đi qua rất nhiều địa phương. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có thế mạnh kinh tế cũng như có hướng phát triển gắn với con đường cao tốc, thậm chí vẫn làm theo cách cũ. Tuy nhiên, cũng có một số tín hiệu tích cực như từ trước tới nay, mặc dù không có nhiều ưu đãi, nhưng các ngành hàng như dệt may, điện tử của chúng ta cũng đã tận dụng được cơ hội và có kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn.
Chúng tôi hy vọng khi hiệp định có hiệu lực không chỉ có một số ngành hàng kể trên phát triển. Nói ví dụ như một làng chuyên trồng rau thì chỉ sử dụng "đường cao tốc" để chở lên thành phố bán. Khi đã có hạ tầng phát triển, cần phải có những lĩnh vực mới để phát triển nền kinh tế từng khu vực cũng như trên cả nước", ông Thái phân tích.
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá thêm, hiện tại, Việt Nam có nhiều ngành hàng thế mạnh, có sức cạnh tranh. Do đó, cần tận dụng các lợi thế khi bước vào sân chơi lớn.
"Có những hàng hoá mà chúng ta phát triển nhưng có thể không phải là thế mạnh của EU, rõ ràng chúng ta có khả năng cạnh tranh để tận dụng được cơ hội. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần phải làm gì. Doanh nghiệp muốn tận dụng được cơ hội, lợi thế cũng cần phải điều chỉnh rất nhiều trong sản xuất.
Ví dụ như việc chúng ta phải đáp ứng được các quy tắc về truy xuất nguồn gốc xuất xứ chẳng hạn. Doanh nghiệp muốn đáp ứng được đầy đủ các yếu tố kỹ thuật cần phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Do đó, để tăng năng lực cạnh tranh, cần có sự đầu tư hợp lý mới có thể tận dụng được đầy đủ lợi thế", bà Trang đánh giá.
Ngoài ra, cũng theo bà Trang đánh giá một số doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi EU phải chấp nhận vài năm đầu để thay đổi cách làm, thích ứng với yêu cầu.
"Như tôi đã nói trên, trong việc thực thi Hiệp định chúng ta phải mất một số chí phí ban đầu. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp hiện nay họ đã làm được rồi. Do đó, họ sẽ không mất thêm chi phí nữa mà có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ sở như vậy. Một số doanh nghiệp sẽ mất thời gian và chi phí để thay đổi", bà Trang đánh giá.
Trước đó, về phía, Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, Hiệp định EVFTA có vai trò đặc biệt trong việc gia tăng vị thế cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên toàn cầu. Bởi thị trường EU lớn nên các sản phẩm nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu khi hiệp định được áp dụng. Theo đó, các mặt hàng chính như thủy sản, rau quả, gỗ… sẽ được giảm thuế về 0%.
Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin thêm, việc ký kết các Hiệp định thương mại như EVFTA, EVIPA không chỉ dừng lại về vấn đề kinh tế. Đối với các hiệp định thương mại thế hệ mới, vấn đề nhân quyền được đẩy mạnh, các điều kiện, lợi ích của người lao động sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.