EVFTA chưa đủ “phép màu” cho nông sản Việt

Trọng Thủy Thứ tư, ngày 19/02/2020 16:35 PM (GMT+7)
Hương vị thơm ngon tự nhiên của rau quả, nông sản, hải sản Việt được người tiêu dùng châu Âu rất ưa chuộng. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) như chiếc chìa khóa mở cánh cửa đột phá để nông sản Việt ùa vào thị trường cao cấp hơn 430 triệu dân nơi đây. Nhưng để làm được điều đó, giảm thuế không phải là “phép màu” duy nhất.
Bình luận 0

Với EVFTA, các nước châu Âu sẽ giảm thuế quan về mức 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết; 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau, củ, quả và các chế phẩm từ rau, quả ngay khi hiệp định có hiệu lực, có thể trong nửa cuối năm nay.

Đối với ngành thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5 đến 7 năm. Lượng nhập khẩu thủy sản tại thị trường EU tăng cao trong những năm gần đây, do xu hướng thay đổi trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Sắp tới, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu…

Nông sản Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh đáng kể ở Châu Âu, mà nổi bật là hương vị tự nhiên của nó. Một chủ sạp hàng rau củ quả ở chợ Brandenburg (Đức), bà Nguyễn Hương Lan, kể, người Việt Nam ở Đức có xu thế tiêu dùng sản phẩm tự nhiên, đậm chất quê hương như bắp luộc, củ năng, củ sen, dừa, gấc, khoai môn, mít nghệ; các loại bánh thuần Việt như: bánh đa, bánh chưng, bánh tét, bánh xứ Huế… nếu xuất khẩu chính ngạch, thì rất dễ tiêu thụ.

Bà Lan nói rằng, rau quả Việt nhìn bên ngoài thì kém so với rau quả Thái Lan vì họ chuyên làm giống lai; nhưng giống cây bản địa, cộng với điều kiện canh tác nên các loại lá, rau thơm, trái cây... của Việt Nam vẫn còn giữ được những hương vị tự nhiên, được nhiều người châu Âu lựa chọn.

Là nghiên cứu sinh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đức, ông Nguyễn Hoàng Huy (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng, khả năng gia tăng xuất khẩu nông sản vùng nhiệt đới của Việt Nam như hồ tiêu, hạt điều, cà phê, thanh long, vải, cá basa… vào thị trường cấp cao là các siêu thị sẽ có cơ hội lớn hơn nhiều và có giá bán khá cao.

Tuy nhiên, EU là thị trường không những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc nông sản mà còn là thị trường có trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội. Vì thế giao thương phải theo luật định, không để tái diễn như ngành thủy sản, hiện còn trắc trở, chưa thoát ra khỏi “thẻ vàng”, ít nhất đến tháng 6/2020.

Ngư dân Việt Nam có những vi phạm về sử dụng chất nổ, lưới mắt dày, đánh bắt hải sản không thuộc về lãnh hải của mình. Việc này phát sinh từ tháng 10/2017, gia hạn đến tháng 4/2018, đến 11/2019 Đoàn của Ủy ban Châu Âu sang kiểm tra, yêu cầu Việt Nam tiếp tục khắc phục.

img

Sau EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% vào năm 2020.

Hoặc chúng ta vẫn nhớ, trong phóng sự “Con đường nông sản Việt Nam” dịp Tết vừa qua, ông Nguyễn Phi Tấn - Bếp trưởng hàng ăn Tây Đô, London, Vương quốc Anh phản ảnh: Rau gia vị sản xuất tại Việt Nam được người Anh rất ưa dùng, cửa hàng nhập lần đầu chất lượng tốt, nhưng đến lần 3, lần 4 thì mùi thơm giảm, người ăn cũng không ưa thích nữa. Nhà hàng phải trồng ngay ở nước Anh này.

Còn ông Mã Phúc Long – Chủ Siêu thị Việt Nam Super Market, Vương quốc Anh, rất buồn khi chỉ vào bó rau cải trên sạp hàng, có dòng chữ “Rửa sạch trước khi dùng” được in trên bao bì, trong khi rau nhập từ Thái Lan thì không cần rửa.

Bước qua được rào cản thuế quan với EVFTA không có nghĩa là hàng hóa nông sản Việt dễ dàng vào được thị trường EU thịnh vượng. Tất cả mọi quy chuẩn, yêu cầu để đưa hàng vào EU đã có đủ hết, chỉ là chúng ta đáp ứng thế nào. Giờ đây chúng ta càng phải chú trọng đến làm ăn bền vững với EU, một cách rất chi tiết, bài bản, có hệ thống, chỉ như vậy mới khai thác hết được lợi thế của EVFTA. Chẳng hạn, hãy nhận diện đúng sự khác biệt trong các kênh phân phối tại thị trường châu Âu có ba vùng địa lý, với các mô hình thương mại và hành vi mua khác nhau.

Người tiêu dùng ở Tây Bắc Âu mua sắm hầu hết ở siêu thị, có sức mua cao nhất về trái cây nhiệt đới, trái cây lạ và rau trái vụ, các sản phẩm được bán là chất lượng cao nhất.

Ở miền Nam Âu, trái cây và rau quả chiếm tỷ lệ cao trong chế độ ăn uống. Người tiêu dùng thích các hương vị, sản phẩm truyền thống địa phương, mặc dù nguồn cung trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu quanh năm.

Ở Đông Âu, người tiêu dùng có sức mua thấp hơn, yêu cầu chất lượng sản phẩm cũng thấp hơn một chút so với ở Tây Bắc Âu và các siêu thị. Tuy nhiên về lâu dài, sự tăng trưởng của thị trường này được cho là tiềm năng.

Vui, khi thị trường đã rộng mở, nhưng doanh nghiệp và nông dân không nên đặt nặng số lượng nông sản xuất khẩu, thay vào đó nên nâng cấp hệ thống quản lý, đầu tư vào giá trị sản phẩm. Chất lượng, sự minh bạch về nguồn gốc, mẫu mã và thương hiệu, giữ cho được chữ “Tín” -  đó là hành động thiết thực nhất cần làm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem