Chỉ phạt mua, bán xe không sang tên đổi chủ
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Ngày 19.9.2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
|
CSGT sẽ không phạt người mượn xe nếu có giấy chứng minh việc mượn. |
Theo đó, Điểm c, Khoản 6, Điều 33 của Nghị định 34 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Điểm e, Khoản 3, Điều 33 quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
“Quy định này áp dụng với hành vi mua đi, bán lại phương tiện mà người mua và người bán không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu (còn gọi là sang tên đổi chủ) phương tiện theo quy định. Cánh sát giao thông chỉ phạt những trường hợp mua bán xe không sang tên đổi chủ và người bị phạt chính là người chủ hiện tại của chiếc xe” - Thiếu tướng Tuyên cho biết.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, với trường hợp người trong cùng gia đình sử dụng chung một chiếc xe, người dân chỉ cần chứng minh và giải thích về địa chỉ của mình với địa chỉ của chủ xe. Đối với trường hợp mượn xe của người khác thì cần giấy chứng minh (có thể viết tay) là xe được cho mượn thì cảnh sát giao thông cũng không xử phạt.
“Chưa nên phạt người đi xe không chính chủ”
Liên quan việc xử phạt này, tại Hà Nội, trong ngày đầu (10.11) triển khai ra quân xử lý những trường hợp vi phạm Nghị định 71, lực lượng CSGT Công an Hà Nội xử lý 317 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, 55 trường hợp vi phạm về tốc độ, 29 trường hợp vi phạm đi sai làn đường, 18 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, cùng các lỗi vi phạm khác.
Đại tá Đào Vịnh Thắng – quyền Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết: “Do mới ngày đầu thực hiện nên lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Những trường hợp mượn xe đi mà không vi phạm luật lệ giao thông thì không bị xử lý”.
“Cánh sát giao thông chỉ phạt những trường hợp mua bán xe không sang tên đổi chủ và người bị phạt chính là người chủ hiện tại của chiếc xe”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên
Trao đổi với báo chí về quy định xử phạt này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đề nghị, các ngành chức năng phải có nghiên cứu và hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Quy định hiện nay chỉ rõ, chủ xe phải có trách nhiệm khai báo việc mua xe, nhưng nếu người dân không thể xác minh chủ nhân trước đây là ai thì công an cũng phải đi xác minh xe đó không vi phạm pháp luật (như không phải xe ăn cắp), sau đó mới cho phép người dân được quyền sang tên đổi chủ. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra quy trình để người dân có thể làm thủ tục thay tên đổi chủ phương tiện một cách nhanh gọn. Thứ hai, mức phí trước bạ cần giảm tới một mức hợp lý, bởi mức hiện nay quá cao.
“Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tham mưu cơ quan chức năng xem xét tạm thời chưa phạt người đi xe không chính chủ, tính toán lại thủ tục hành chính và xem xét lại mức phí” - ông Hiệp cho biết.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: “Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc khi mua bán trao đổi phương tiện đồng thời tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, cách thức đưa việc mua bán trao đổi phương tiện kèm theo sang tên đổi chủ thì không phải cứ phạt mà thực hiện được. Theo tôi, “mắt xích” là việc các cơ quan chức năng phải tham mưu để giảm lệ phí trước bạ thì người dân sẽ tự nguyện thực hiện”.
Thắng Quang - Xuân Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.