|
Doanh nghiệp cần được tạo các điều kiện tốt hơn để phát triển, đóng góp xây dựng đất nước. Trong ảnh: Lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam. |
Phải tái cấu trúc nền kinh tế
Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001-2010) nhiều ý kiến cho rằng thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, ông có nhận định gì về vấn đề này?
- Quả thực là những kết quả đạt được trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta 10 năm qua chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước.
Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt hơn 7%, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.200 USD, vượt qua ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp. Công cuộc xoá đói giảm nghèo được thế giới công nhận và đánh giá cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong sự phát triển còn nhiều bất cập, yếu kém tồn tại. Chất lượng, năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế còn dựa vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu; sử dụng nguồn lực còn hạn chế; lãng phí thất thoát còn nhiều, hiệu quả đầu tư thấp; tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn lớn; bội chi ngân sách và thâm hụt cán cân thương mại còn lớn, lạm phát cao, môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm…
Phải chăng, chính những vấn đề này mà Thủ tướng đã nhấn mạnh việc cấp bách cần tái cấu trúc nền kinh tế?
- Tôi rất tán thành việc tái cấu trúc nền kinh tế như Thủ tướng đã đưa ra. Các ngành, lĩnh vực sản xuất phải chuyển từ mô hình theo chiều rộng kết hợp với việc phát triển theo chiều sâu với mô hình công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao.
Muốn đạt được những mục tiêu đó cần có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân để tạo nên những thương hiệu mạnh có sức cạnh tranh cao.
Sau 10 năm đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao, nhiều tiềm năng và đặc biệt có nhu cầu sử dụng lao động lớn góp phần giải quyết nhu cầu 2 triệu việc làm mới mỗi năm, đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng đưa ra nhận định "đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường”, nếu làm được điều này, không những đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực tư nhân mà còn thúc đẩy khu vực kinh tế nhà nước lớn mạnh.
Những giải pháp để phát triển nhanh và bền vững mà Thủ tướng đưa ra là đầy đủ, nhưng người dân quan tâm nhất lúc này là sẽ triển khai những cơ chế, chính sách cụ thể và sự quyết tâm cao của Chính phủ để biến những mục tiêu của ấy trở thành hiện thực.
Việc Thủ tướng khẳng định, mục tiêu cấp bách là tái cấu trúc nền kinh tế trong thời điểm này là rất hợp lý. Tái cấu trúc ở cả ba lĩnh vực ngành sản xuất, doanh nghiệp và thị trường đều rất cần thiết nhưng cần thực hiện nghiêm túc và thực chất chứ không chỉ chạy theo kiểu báo cáo thành tích. Muốn vậy, cần phải quyết tâm loại bỏ những yếu tố yếu kém, giữ lại những thế mạnh, phát huy những lợi thế và tiềm năng của đất nước để thực hiện thành công việc tái cấu trúc nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển
Trong 6 giải pháp phát triển bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ đưa ra, theo ông đâu là giải pháp quan trọng nhất?
- Theo tôi, cái nào cũng đúng và cần phải thực hiện nhưng giải pháp đầu tiên, nói về sức mạnh tổng hợp là quan trọng nhất. Tất cả 5 giải pháp còn lại chỉ là chi tiết cụ thể để triển khai giải pháp đầu tiên.
Bởi khi có được sức mạnh tổng hợp của 87 triệu dân Việt Nam, trong mọi thành phần, trong Đảng cũng như ngoài Đảng, trong nước cũng như nước ngoài thì tất cả mục tiêu khác đều có thể thực hiện được.
Chúng ta muốn thực hiện được các mục tiêu như đã nêu, cần có một tổ chức chính trị vững mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, với những con người sẵn sàng hi sinh vì đất nước. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà đại hội XI tới đây phải giải quyết.
Trong các giải pháp Thủ tướng nhắc tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông khi triển khai biện pháp này cần có chính sách cụ thể gì?
- Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô của một nhà nước pháp quyền, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường là: Phải tạo điều kiện môi trường thông thoáng cả về luật pháp và cơ chế để mọi thành phần phát huy hết khả năng của mình, xây dựng đất nước.
Vấn đề này, chúng ta chưa thực hiện được do vẫn còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng để cho mọi thành phần kinh tế phát triển công bằng.
Các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô như: Giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính… khi triển khai cụ thể như thế nào mới là điều nhiều người quan tâm.
Bài toán về vốn đang thực sự gây khó khăn đối với các doanh nghiệp. Không chỉ thiếu thanh khoản mà lãi suất cao cũng gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, nợ nước ngoài không ngừng tăng lên… Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có biện pháp "bơm" vốn cho nền kinh tế và hạ dần lãi suất xuống.
Ô nhiễm môi trường là nguy cơ lớn
Mục tiêu đặt ra là phát triển nhanh và bền vững nhưng thực tế là môi trường của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
- Vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là mục tiêu rất quan trọng. Phát triển bền vững là làm sao để sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, chứ không phải bất chấp tất cả để phát triển, dẫn tới huỷ hoại môi trường và hậu quả là con cháu chúng ta phải gánh chịu. Nếu "ăn xổi" trong một thời gian ngắn, chắc chắn chúng ta sẽ tiêu diệt hết tài nguyên thiên nhiên.
Tôi đã từng tham gia làm báo cáo cho nhà nước về vấn đề này. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong 50 năm chúng ta có thể phát triển kinh tế ở mức tương đối nhưng phải mất hàng vạn năm, thậm chí là hàng triệu năm không thể khắc phục được việc huỷ hoại môi trường. Khi các dòng sông bị huỷ hoại, không chỉ cây cối, cá chết mà cả con người cũng chết.
Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu nước ngầm ở địa bàn Hà Nội. Những chất độc thải ra môi trường, ngấm xuống nước ngầm, khi con người uống vào có thể ảnh hưởng tới thế hệ con cháu. Như vụ việc ở sông Thị Vải, hiện có hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm.
Về lâu dài, việc ô nhiễm môi trường sẽ làm suy yếu cả một dân tộc. Bài học như ở Pháp về việc xử lý tro của nhà máy điện nguyên tử, hiện họ đang chôn ở mỏ muối nhưng hàng triệu năm sau nếu bị rò rỉ, các chất phóng xạ ấy vẫn có thể ảnh hưởng tới con người. Hay như ở Nhật hiện nay, hàng ngày vẫn phải kiểm tra cá thu bắt ở biển lên xem có nhiễm phóng xạ trước khi sử dụng, hậu quả từ chất thải của nhà máy nguyên tử…
6 nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng chính phủ nêu:
- Bằng các giải pháp và sức mạnh tổng hợp, kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước.
- Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sự hoạt động an toàn, hiệu quả của các định chế tài chính.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng cao đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng.
- Phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở.
- Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường.
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.