Không thưởng Tết, doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn

Thứ hai, ngày 03/01/2011 14:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2010 thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) không thưởng Tết cho người lao động.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, NTNN có cuộc trao đổi với ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. 

img
 

Thực tế, ngoài các DN làm ăn không hiệu quả thì cũng có DN làm ăn được, có lãi, nhưng “trốn” thưởng Tết cho người lao động. Ông đánh giá gì về vấn đề này?

- Nhiều phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã phản ánh tình trạng nhiều DN chuyển giá “lãi thật lỗ giả” để trốn thuế, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tinh vi và nghiêm trọng.

Theo số liệu của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, năm 2010 có tới 50% DN vốn FDI báo lỗ với nhiều lý do khác nhau như trượt giá, khủng hoảng kinh tế… nhưng thực tế, mục đích chính của họ là để trốn nộp thuế và tránh phải chi thưởng, thậm chí cả trả lương cho người lao động.

Ở các nước, các DN đều thực hiện rất nghiêm túc việc trả lương, chi thưởng cho người lao động, nhiều DN còn đưa vào thoả ước thưởng hàng năm từ 2 - 3 tháng lương. Tuy nhiên, các nước phát triển họ kiểm soát rất chặt lợi nhuận của DN. Hàng quý và thậm chí là hàng tháng, các khoản lợi nhuận của DN phải công khai trên sàn giao dịch (nếu tham gia vào thị trường niêm yết phải công bố cho cổ đông biết).

Người lao động biết lợi nhuận của DN nên “chiếc bánh” phải chia sẻ theo thoả ước. Thực tế ở nước ta quản lý vấn đề này còn yếu kém, hầu như DN lỗ hay lãi đều không nắm được. Họ thấy trượt giá, chi phí tăng là báo lỗ, để tránh nộp thuế và tránh phải chi thưởng cho người lao động.

img
Việc chi thưởng Tết sẽ động viên người lao động tích cực làm việc, đóng góp công sức cho doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Hiện ở nước ta có những quy định bắt buộc DN phải công bố và thực hiện thưởng Tết cho người lao động?

- Trong Bộ luật Lao động đã quy định rõ việc DN phải xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng và phải công bố cho người lao động biết. Hàng năm, theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH, DN phải báo cáo việc trả lương, trả thưởng về cho cơ quan quản lý nhà nước. Riêng vấn đề tiền thưởng thì hiện tại chưa có quy định nào của nhà nước bắt buộc DN phải chi thưởng cho người lao động.

Như vậy, trường hợp DN không thưởng cho người lao động trong dịp lễ, Tết thì các cơ quan chức năng của nhà nước không thể xử phạt DN?

img Nhiều lãnh đạo DN nói người lao động là tài sản lớn nhất, nhưng lại chẳng chăm lo đến đời sống của họ, người làm tốt hay không cũng hưởng thành quả như nhau, không được khen thưởng, khích lệ kịp thời. Từ đó, nhiều lao động là những người tài bỏ đi và có thể mang theo cả những mối quan hệ làm ăn, bí quyết kinh doanh… Khi đó, thiệt hại cho DN còn lớn gấp vạn lần chi phí tiền thưởng. img

- Tiền thưởng không thể bắt buộc được, vì DN nói thua lỗ thì họ cũng thường khẳng định không có nguồn tiền để thưởng. Vì thế, hiện chưa có mức chế tài nào quy định xử phạt DN không thực hiện thưởng trong dịp lễ, Tết.

Tiền thưởng là chia sẻ lợi ích, DN nào cũng hiểu để có được lợi nhuận, công sức đóng góp của người lao động là rất lớn. Nếu anh quan tâm tốt đến người lao động thì người ta sẽ làm việc tốt và gắn bó lâu dài, ngược lại, nếu cố tình không chia sẻ những lợi ích ấy, người lao động sẽ nghỉ việc, tìm chỗ làm việc mới.

Nhất là trong thời điểm cạnh tranh nguồn lao động như hiện nay, nguy cơ “nhảy việc” của người lao động ngày càng tăng. Nhiều DN chỉ “nói suông” người lao động là tài sản lớn nhất nhưng lại chẳng chăm lo đến đời sống của họ, người làm tốt hay không cũng hưởng thành quả như nhau, không được khen thưởng, khích lệ kịp thời. Từ đó, nhiều lao động là những người tài bỏ đi và có thể mang theo cả những mối quan hệ làm ăn, bí quyết kinh doanh… Khi đó, thiệt hại cho DN còn lớn gấp vạn lần chi phí tiền thưởng.

Theo tôi, việc chi thưởng là điều DN nên làm, nó thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của DN chứ không thể đưa vào chế tài bắt buộc của nhà nước.

Trên thực tế, vào những dịp cuối năm không chỉ có thưởng mà thậm chí không ít DN còn chậm trả lương và “quỵt” lương, thưởng của người lao động, dẫn đến tình trạng đình công. Liên đoàn Lao động VN, Công đoàn các cấp sẽ làm gì để góp phần hạn chế tình trạng này?

- Đúng là cuối năm là thời điểm rất nhạy cảm, việc không trả lương, trả thưởng của các DN dẫn đến nguy cơ xảy ra đình công, tranh chấp lao động là rất lớn. Theo quy định, DN phải báo cáo việc trả lương, thưởng cho người lao động về cơ quan quản lý trong tháng 1.

Nếu thấy DN chưa báo cáo việc trả lương, thưởng, công đoàn cơ sở sẽ báo cáo ngay lên công đoàn cấp trên, đây là công việc thường xuyên được Tổng Liên đoàn chỉ đạo thực hiện vào dịp cuối năm để hạn chế trường hợp DN không thực hiện trả lương, chi thưởng cho người lao động...

Nhưng như vậy mới chỉ dừng lại ở báo cáo và nắm bắt tình hình, còn để hạn chế tình trạng chậm lương, không thưởng và nguy cơ đình công của người lao động trong dịp cuối năm, Tổng Liên đoàn có những giải pháp gì?

- Quan trọng là công đoàn và người lao động cố gắng phải đưa vào thoả ước với chủ DN, nếu DN không thực hiện sẽ xử lý theo hình thức không thực hiện thoả ước. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là tỉ lệ các DN có công đoàn chỉ chiếm khoảng 50%. Ở những DN công đoàn, chúng tôi đã chỉ đạo việc thực hiện ký thoả ước tập thể và hiện khoảng 60-70% DN có thoả ước tập thể.

Vào những dịp cuối năm, Tổng Liên đoàn luôn chỉ đạo công đoàn cơ sở phải bám sát tình hình, bàn với DN phương án trả lương, thưởng, hỗ trợ phương tiện cho người lao động về quê ăn Tết… DN nào có điều kiện đặc biệt, công nhân không về quê ăn Tết được, công đoàn cơ sở phải chăm lo cho người lao động. Công đoàn cơ sở nếu phát hiện DN nào không trả lương, chi thưởng thì phải báo ngay với các cơ quan cấp trên để có biện pháp thanh, kiểm tra nguyên nhân tại sao và có biện pháp xử lý kịp thời.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem